Thứ năm, 14/05/2015, 10:06:10
Chào mừng đồng chí và các bạn đã đến với cổng thông tin điện tử Đảng Bộ Khối các cơ quan tỉnh Quảng Nam !
 
  • Site
  • Web
Search

Chi tiết tin tức

Tổ chức kiểm tra (Kiểm tra,giám sát)

Vài suy nghĩ về tính nhân văn, giáo dục trong công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng

Ngày đăng: 15:04 | 22/04 Lượt xem: 8396

Vài suy nghĩ về tính nhân văn, giáo dục trong công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng

                              

Đảng ủy Dân Chính Đảng (nay là Đảng ủy Khối các cơ quan) tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội thảo Công tác giám sát đảng viên

Kiểm tra, giám sát là chức năng lãnh đạo của Đảng, xuất phát từ nhiệm vụ chính trị, từ yêu cầu công tác xây dựng Đảng và nhằm mục tiêu bảo đảm thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ công  tác trên. Đảng ta luôn nhấn mạnh: “Lãnh đạo mà không kiểm tra, giám sát thì coi như không có lãnh đạo”. Bên cạnh hoạt động theo dõi, đánh giá của Đảng thì kiểm tra, giám sát còn mang tính nhân văn, giáo dục sâu sắc.

          Theo cách hiểu thông thường, từ nhân văn được cắt nghĩa: Nhân là người, văn là văn hóa. Nhân văn mang những nét đặc trưng thuộc bản chất của con người kết hợp với nó là có tri thức văn hóa, văn minh. Tính nhân văn được hiểu là những giá trị phẩm chất, đạo đức tốt đẹp của con người ứng xử trong đời sống xã hội.

          Từ “giáo dục” trong tiếng Anh là “education”, có nghĩa là dẫn con người vượt ra khỏi hiện tại của họ mà vươn tới những gì thiện hảo, tốt lành hơn, hạnh phúc hơn. Tính giáo dục được hiểu là sự giáo dục về đạo đức, nhân cách sống và kiến thức giúp con người hòan thiện, phát triển về nhân cách và trí tuệ.

          Nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng đã chỉ rõ: “Công tác kiểm tra, giám sát phải góp phần phát hiện và khắc phục được những khuyết điểm, thiếu sót khi mới manh nha; bên cạnh việc tiếp tục thực hiện kiểm tra tổ chức và cá nhân đảng viên có dấu hiệu vi phạm, phải tăng cường chủ động giám sát, kiểm tra về phẩm chất đạo đức và kết quả thực hiện nhiệm vụ của tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, về nhận thức và chấp hành đường lối chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và việc chấp hành Điều lệ Đảng. Coi trọng kiểm tra, phát hiện nhân tố tích cực”. Vì vậy, ý nghĩa của tính nhân văn, giáo dục trong công tác kiểm tra, giám sát là quan trọng, cần thiết, nhất là trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước.

          Suy cho cùng, mọi hoạt động trong công tác xây dựng Đảng là nhằm xây dựng nội bộ Đảng thật sự trong sạch vững mạnh, hướng đến mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Kiểm tra, giám sát là công tác không thể thiếu trong quá trình tiến đến mục tiêu ấy. Mỗi cá nhân, tổ chức đảng chính là nhân tố quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân.

          Kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng mang đậm tính nhân văn, giáo dục, được thể hiện:

          Trước hết, các văn bản quy định của Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát khi được tuyên truyền, quán triệt sẽ giúp cấp ủy, cán bộ, đảng viên hiểu được vai trò, chức năng, ý nghĩa, tầm quan trọng về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng. Qua đó, hình thành nên “khuôn mẫu” để cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên tự soi rọi bản thân mình và hướng đến việc làm đúng, làm tốt, có lợi cho tổ chức; hạn chế được những sai phạm trong thực hiện nhiệm vụ và sự suy thoái về phẩm chất đạo đức, lối sống. Đó là “tấm khiên” cho mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên tự bảo vệ chính mình và cũng là tính nhân văn, giáo dục hàm chứa trong các văn bản quy định.

Thứ hai, kiểm tra, giám sát có vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Mà “Mục đích chỉnh Ðảng là để dùi mài cán bộ và đảng viên thành những chiến sĩ xứng đáng là người đầy tớ của nhân dân” (1). Tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên nếu không thường xuyên được kiểm tra, giám sát, kiểm điểm, phê bình sẽ có nhiều khuyết điểm, hạn chế, lâu ngày sẽ nguy hại cho Đảng, đó chính là “giặc nội xâm”. “Kiểm tra chính là chống giặc nội xâm”, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dạy: “Nếu chiến sỹ và nhân dân ta ra sức chống giặc ngoại xâm mà quên mất chống giặc nội xâm là chưa làm tròn nhiệm vụ của mình”. Người chỉ rõ: “Chúng ta phải tuyệt đối chống bệnh kiêu ngạo, phải luôn khiêm tốn, mọi công tác phải dựa hẳn vào quần chúng, hoan nghênh quần chúng đôn đốc và kiểm tra”. Muốn đạt được kết quả đó, trước hết “cán bộ làm công tác kiểm tra phải luôn học tập thấm nhuần đường lối của Đảng, phải luôn chú ý nâng cao khả năng chuyên môn, phải cố gắng công tác, phải trau dồi đạo đức cách mạng… đặc biệt phải nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật, phải thật thà tự phê bình và phê bình để làm gương trong việc chấp hành kỷ luật Đảng, phải chí công vô tư, không thiên vị, không thành kiến như thế thì mới làm tốt được công tác kiểm tra”. Do đó, kiểm tra, giám sát kịp thời, hiệu quả là “liều thuốc” hữu hiệu phòng ngừa, ngăn chặn sự suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; bảo vệ quan điểm, đường lối của Đảng, tránh được các nguy cơ sai lầm về đường lối, quan liêu, xa dân của đảng cầm quyền. Như vậy, bản chất của công tác kiểm tra, giám sát là hướng tổ chức đảng, đảng viên đi đúng mục tiêu lý tưởng cách mạng để xây dựng Đảng ta ngày càng đạo đức, văn minh.

          Thứ ba, kiểm tra, giám sát tổ chức đảng và đảng viên thường xuyên, theo định kỳ hoặc bất thường, mục đích chính là để “gạn đục, khơi trong”, đánh giá thực trạng hoạt động của tổ chức đảng và đảng viên; phát huy, nhân rộng những ưu điểm, điển hình tiên tiến, kịp thời khắc phục, uốn nắn những hạn chế, khuyết điểm và xử lý nghiêm túc những trường hợp vi phạm kỷ cương, kỷ luật của Đảng. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: kiểm tra cốt để “làm rõ cán bộ, nhân viên tốt hay xấu; làm rõ ưu điểm hay khuyết điểm của các cơ quan; làm rõ ưu điểm hay khuyết điểm của các mệnh lệnh và nghị quyết” để rút kinh nghiệm, sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm để cùng nhau tiến bộ. Quan điểm xây dựng Đảng của Đảng ta là không sợ sai lầm, khuyết điểm, nhưng phải biêt nhận và sửa sai lầm, khuyết điểm. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính... Sợ phê bình, tức là “quan liêu hóa”, tức là tự mãn tự túc, tức là “mèo khen mèo dài đuôi”. Phê bình không phải để công kích, để nói xấu, chửi rủa”. Vì vậy, việc thực hiện công tác kiểm tra, giám sát sẽ giúp tổ chức đảng và đảng viên nhận rõ ưu điểm, khuyết điểm, nguyên nhân của nó và tìm biện pháp khắc phục. Đó cũng là một trong những biện pháp để nâng cao đạo đức cách mạng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong tình hình hiện nay. Đây chính là tính nhân văn, giáo dục trong công tác kiểm tra, giám sát.

          Thứ tư, thi hành kỷ luật trong Đảng là việc áp dụng hình thức kỷ luật đối với các cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên vi phạm. Tùy theo đối tượng, nội dung, tính chất, mức độ vi phạm mà có những hình thức kỷ luật áp dụng khác nhau cho phù hợp. Nói đến kỷ luật là nói đến sự nghiêm minh, chính xác; tuy vậy, việc thi hành kỷ luật trong Đảng cũng mang đậm tính nhân văn, giáo dục đối với cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên. Điều đó được thể hiện ở hai ngóc độ khác nhau. Thứ nhất, quá trình xử lý kỷ luật của cấp có thẩm quyền sẽ giúp đối tượng vi phạm nhận ra sai phạm, khuyết điểm của mình, thành khẩn nhận và khắc phục sai phạm, khuyết điểm, hợp tác với cơ quan chức năng… sẽ được hưởng sự “khoan hồng” và giảm nhẹ hình thức kỷ luật. Thứ hai, bản kết luận vi phạm xác đáng, áp dụng hình thức kỷ luật phù hợp mà đối tượng vi phạm phải “tâm phục, khẩu phục” thì bản thân việc làm đó cũng đã mang tính nhân văn, giáo dục. Việc thi hành kỷ luật còn có tác dụng giáo dục cán bộ, đảng viên tự tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ để tránh những sai sót đáng tiếc dẫn đến vi phạm kỷ luật Đảng.

Trong giai đoạn hiện nay, đất nước ta đang tiến hành công cuộc đổi mới và hội nhập kinh tế thế giới, có nhiều vấn đề phát sinh phức tạp trong quá trình lãnh đạo và thực hiện. Do đó cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đi đôi với chú trong tính nhân văn, giáo dục. Bên cạnh đó, nhất thiết mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên phải ra sức học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác kiểm tra, giám sát nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong quá trình xây dựng và chỉnh đốn Đảng, nâng cao vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trong giai đoạn mới.

Tác giả: Nguyễn Trọng Lĩnh - Ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối các cơ quan

Nguồn tin: Văn phòng Đảng ủy Khối các cơ quan

[Trở về]

Các tin mới hơn:

    

Liên kết web

Lượt truy cập

00004486625

Hôm nay: 2693
Hôm qua: 2630
Tháng này: 27058
Tuần này: 11182
Năm này: 616945