|
Tổ chức Hội thảo nhằm nâng cao hiệu quả công tác giám sát đảng viên
|
Nhận thức rõ vị trí, tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát, nhất là sau khi Đảng ta ban hành Nghị quyết số 14 - NQ/TW, ngày 30/7/2007 về “Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng”; Đảng ủy Khối tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ, sâu rộng trong cấp ủy, UBKT các cấp, góp phần xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh.
Hằng năm, Đảng ủy Khối xây dựng và thực hiện chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát của cấp ủy, UBKT theo Điều 30, Điều 32 Điều lệ Đảng; trong đó coi trọng kiểm tra tổ chức đảng và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm. Nội dung kiểm tra, giám sát đảm bảo tính toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm; tập trung kiểm tra, giám sát việc chấp hành, nhất là thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về tăng cường xây dựng Đảng, Chỉ thị số 06, 03, 05 - CT/TW của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Qua đó, kịp thời chấn chỉnh, nhắc nhở hoặc xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, góp phần đưa công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Khối từng bước đi vào nề nếp.
Từ năm 2007 đến nay, cấp ủy 02 cấp tiến hành kiểm tra 680 tổ chức đảng, 3.279 đảng viên; giám sát 1.256 tổ chức đảng, 2.530 đảng viên. UBKT 02 cấp kiểm tra dấu hiệu vi phạm 10 tổ chức đảng và 36 đảng viên; kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng đối với 752 tổ chức đảng; giám sát 592 tổ chức đảng và 420 đảng viên; nhận 93 đơn tố cáo và xem xét giải quyết 12 đơn thuộc thẩm quyền, chuyển 39 đơn và lưu hồ sơ không giải quyết 42 đơn.
Cũng thời gian này, toàn Đảng bộ Khối đã xử lý kỷ luật 03 tổ chức đảng (với hình thức khiển trách), 184 đảng viên (khiển trách: 122, cảnh cáo: 45, cách chức: 02, khai trừ: 15) và giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng 02 trường hợp.
Tuy nhiên, công tác kiểm tra, giám sát còn một số hạn chế, tồn tại chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, như: một số cấp ủy, UBKT cấp ủy cơ sở, người đứng đầu cấp ủy chưa coi trọng đúng mức công tác kiểm tra, giám sát; tiến hành kiểm tra, giám sát còn chiếu lệ, hình thức, chưa quyết liệt, hiệu lực, hiệu quả chưa cao; vẫn tồn tại tình trạng nể nang, né tránh, đùn đẩy, ngại va chạm; việc chủ động nắm tình hình và xử lý vi phạm ngay từ khi mới phát sinh còn hạn chế; xác định nội dung chương trình kiểm tra, giám sát còn dàn trải, chưa thực sự đi vào các lĩnh vực phức tạp, nhạy cảm, dễ nảy sinh tiêu cực; công tác kiểm tra, giám sát đối với cấp ủy viên cùng cấp, người đứng đầu, cán bộ chủ chốt chưa nhiều; ít hoặc chưa có sự phối hợp với các cơ quan có liên quan trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát...
Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát trong thời gian tới; thiết nghĩ, mỗi cấp ủy, UBKT cấp ủy cần thực hiện đồng bộ, sâu rộng một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Một là, cấp ủy, tổ chức đảng, UBKT các cấp, cán bộ, đảng viên cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc vị trí, vai trò, tầm quan trọng và chức năng, nhiệm vụ của công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật trong đảng; khẳng định kiểm tra, giám sát là chức năng, là phương thức lãnh đạo của Đảng; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật trong đảng để làm cho Ðảng văn minh, vững mạnh, đủ uy tín lãnh đạo quần chúng và củng cố niềm tin của nhân dân đối với Ðảng trong tình hình mới.
Hai là, cấp ủy, UBKT các cấp cần tiến hành mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát, kiên quyết, kiên trì, không tự thỏa mãn với những kết quả đạt được; tiến hành kiểm tra, giám sát thường xuyên, toàn diện, công khai, dân chủ, thận trọng và chặt chẽ, coi trọng kiểm tra tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm. Bám sát Điều lệ và quy định của Đảng, hướng dẫn của UBKT Trung ương; tuân thủ nghiêm nguyên tắc, thẩm quyền, phương hướng, phương châm, phương pháp, quy trình, thủ tục trong công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật trong đảng. “Thực hiện đồng bộ giữa công tác kiểm tra và công tác giám sát”; “giám sát phải mở rộng”, “kiểm tra phải có trọng tâm, trọng điểm” để chủ động phòng ngừa vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên khi còn manh nha tại cơ sở.
Ba là, tập trung xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ kiểm tra các cấp. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “...muốn kiểm soát có kết quả tốt, phải có hai điều: một là việc kiểm soát phải có hệ thống, phải thường làm. Hai là người đi kiểm soát phải là những người rất có uy tín”(2). Về phương pháp, Người chỉ rõ: “không phải cứ ngồi trong phòng giấy mà chờ người ta báo cáo, mà phải đi tận nơi, xem tận chỗ”(3). Vì vậy, đòi hỏi mỗi cán bộ kiểm tra phải có phẩm chất, đạo đức cách mạng trong sáng, có bản lĩnh chính trị, kinh nghiệm, tận tuỵ trong công tác, trách nhiệm và tính chiến đấu cao trong nghề nghiệp; nắm vững nguyên tắc, cơ chế, chính sách, các quy định của Ðảng, Nhà nước để thực thi nhiệm vụ; có kỹ năng nghiệp vụ thuần thục, phương pháp công tác khoa học. Mặt khác, thường xuyên quan tâm củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy cấp ủy, UBKT các cấp đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng.
Bồn là, thực hiện nghiêm chế độ phân công nhiệm vụ cho cấp ủy viên theo dõi lĩnh vực, địa bàn; nắm chắc tình hình tổ chức đảng, đảng viên; nâng cao năng lực, trách nhiệm, đề xuất biện pháp khả thi cho cấp ủy, UBKT trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát. Định kỳ hằng tháng, từng cấp ủy viên phải tham dự sinh hoạt cấp ủy, chi bộ thuộc địa bàn, lĩnh vực được phân công để nắm tình hình, kịp thời tháo gỡ khó khăn và xử lý các vấn đề nảy sinh từ thực tiễn, không để vấn đề nảy sinh trở thành điểm nóng, nổi cộm, gây bức xúc.
Năm là, cấp ủy, UBTK các cấp xây dựng chương trình, kế hoạch công tác kiểm tra, giám sát toàn khóa và hằng năm phù hợp với tình hình thực tiễn của cơ quan, đơn vị. Xác định đúng trọng tâm, trọng điểm về nội dung; tập trung kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng, Chỉ thị 05 - CT/TW của Bộ Chính trị. Tăng cường kiểm tra, giám sát nơi có nhiều bức xúc, nổi cộm, dư luận quan tâm, nơi có nguy cơ xảy ra dấu hiệu vi phạm, trước hết là về chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, tinh thần trách nhiệm, quan liêu, lãng phí... để chủ động phòng ngừa vi phạm khi mới manh nha từ cơ sở; chú trọng giám sát đảng viên là người đứng đầu cấp ủy, cán bộ chủ chốt ở cơ quan, đơn vị về năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành, đạo đức, lối sống, tính tiên phong, gương mẫu...
Sáu là, tăng cường phối hợp giữa cấp ủy, chính quyền, đoàn thể ở cơ sở; xin ý kiến chỉ đạo của cấp ủy, UBKT cấp ủy cấp trên và cơ quan liên quan (nếu cần); tạo điều kiện để cán bộ, đảng viên, quần chúng tham gia kiểm tra, giám sát theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát”; tổ chức tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng công tác kiểm tra, giám sát cho đội ngũ cán bộ làm nhiệm vụ này; định kỳ, sơ - tổng kết, rút kinh nghiệm và biểu dương, nhân rộng điển hình về thực hiện công tác kiểm tra, giám sát.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Muốn biết các nghị quyết có được thi hành không, thi hành có đúng không; muốn biết ai ra sức làm, ai làm qua chuyện, chỉ có một cách là khéo kiểm soát. Kiểm soát khéo bao nhiêu khuyết điểm lòi ra hết, hơn nữa kiểm tra khéo về sau khuyết điểm nhất định bớt đi”(4). Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát là nội dung, giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình mới.
-----------------------
(1): Nghị quyết Trung ương 5, khoá X về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng
(2), (3): Trích tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh
(4): Trích tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.