Thứ năm, 14/05/2015, 10:06:10
Chào mừng đồng chí và các bạn đã đến với cổng thông tin điện tử Đảng Bộ Khối các cơ quan tỉnh Quảng Nam !
 
  • Site
  • Web
Search

Chi tiết tin tức

Tổ chức kiểm tra (Kiểm tra,giám sát)

Kiểm tra, giám sát người đứng đầu cấp ủy và việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng

Ngày đăng: 9:18 | 30/03 Lượt xem: 1779

Trong cuộc gặp gỡ báo chí sau thành công của Đại hội lần thứ XIII của Đảng, người đứng đầu Đảng ta – Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã phát đi thông điệp mạnh mẽ, rằng: “Vấn đề không chỉ nằm ở các "nghị quyết". "Quan trọng hơn là sắp tới chúng ta phải đưa nghị quyết vào cuộc sống thế nào, biến nó thành hiện thực thế nào”;… “Phải ra của cải vật chất, nước phải giàu, dân phải mạnh, đời sống của nhân dân sung sướng hơn, thế mới gọi là thành công ở tầm nhìn ấy. Chứ không phải thông qua nghị quyết xong vỗ tay là đại hội thành công".

Chính vì vậy, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã đề nghị: “Ngay sau Đại hội, tất cả các cấp uỷ, tổ chức đảng cần tập trung làm tốt việc phổ biến, tuyên truyền sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân về kết quả Đại hội; nghiên cứu, quán triệt sâu sắc Nghị quyết và các văn kiện Đại hội; khẩn trương xây dựng, triển khai chương trình, kế hoạch hành động, phát động phong trào thi đua yêu nước sâu rộng, tinh thần đổi mới sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, thách thức để sớm đưa Nghị quyết Đại hội vào cuộc sống, biến những quyết định của Đại hội thành hiện thực sinh động trong thực tế”.

Trong không khí cả nước mừng đất nước tiếp tục đổi mới, phát huy không khí nóng hổi, khí thế Đại hội XIII của Đảng; toàn Đảng, toàn quân, toàn dân vượt qua khó khăn, thử thách, nhanh chóng đưa Nghị quyết Đại hội Đảng và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp vào đời sống. Với tinh thần “chức vụ càng cao càng phải gương mẫu”, các đồng chí bí thư cấp ủy, từ Trung ương tới cơ sở, cùng với cấp ủy, tổ chức đảng phải là những người đi đầu trong triển khai thực hiện Nghị quyết của Đảng. Đại hội XIII của Đảng đã bầu đủ 180 đồng chí Ủy viên Trung ương chính thức và 20 đồng chí Ủy viên Trung ương dự khuyết, trong đó tất cả các Đảng bộ trực thuộc Trung ương đều có ít nhất một đồng chí Ủy viên Trung ương chính thức, chưa kể Ủy viên Trung ương dự khuyết…

Mỗi lĩnh vực, mỗi ngành, mỗi cấp có những phương hướng phát triển, nhiệm vụ khác nhau, trong đó, lĩnh vực xây dựng Đảng, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã chỉ ra những nhiệm vụ, giải pháp rất quan trọng. Đó là: “Tập trung xây dựng Đảng về đạo đức, tích cực đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ gắn với đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phát huy thật tốt trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên theo phương châm chức vụ càng cao càng phải gương mẫu”;… “Đặc biệt coi trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ - nội dung then chốt trong công tác xây dựng Đảng”. Một trong những giải pháp để thực hiện nhiệm vụ công tác xây dựng Đảng là “Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát và kiểm soát chặt chẽ quyền lực; nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng”.

Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay, nhiều vụ án kinh tế, những vụ tham nhũng, những lợi ích nhóm,… xảy ra rất nghiêm trọng đã được lôi ra “ánh sáng”. Tất cả những hiện tượng tham nhũng, tiêu cực, tha hóa quyền lực, lạm quyền, suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống... suy cho cùng là do buông lỏng lãnh đạo, quản lý, thực hiện không nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ và điều quan trọng nhất có lẽ là do thiếu kiểm tra, giám sát; không “phát huy trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên theo phương châm chức vụ càng cao càng phải gương mẫu, nhất là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương” (một nội dung quan trọng trong những bài học mà Đại hội XIII của Đảng đã chỉ ra).

Trước những vi phạm, khuyết điểm của một số người đứng đầu cấp ủy, Đảng ta đã đẩy mạnh việc phát huy vai trò của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng. Công tác kiểm tra, giám sát và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được triển khai quyết liệt, bài bản, đi vào chiều sâu, có bước đột phá và đạt những kết quả cụ thể, rõ rệt. Nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng được phát hiện, điều tra, khởi tố, xét xử nghiêm minh, tạo sức răn đe, cảnh tỉnh, được cán bộ, đảng viên và nhân dân hoan nghênh, đánh giá cao và đồng tình ủng hộ. Tình trạng tham nhũng, tiêu cực, suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong Đảng và hệ thống chính trị từng bước được kiềm chế, ngăn chặn. Chống tham nhũng, tiêu cực phải ngay từ những cơ quan, tổ chức có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, ngay từ người đứng đầu cấp ủy.

Từ những bài học kinh nghiệm về công tác xây dựng Đảng mà Đại hội XIII đã đề ra cũng như những bài học của công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng của UBKT Trung ương trong nhiệm kỳ qua, với tinh thần chức vụ lãnh đạo càng cao thì càng phải gương mẫu và dưới góc độ công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, xin đề xuất một số khía cạnh trong công tác kiểm tra, giám sát người đứng đầu cấp ủy và người đứng đầu cấp ủy thực hiện công tác kiểm tra, giám sát.

Thứ nhất, ngay sau thắng lợi Đại hội XIII của Đảng, người đứng đầu cấp ủy cần đem tinh thần, khí thế, cách thức công tác... của Đại hội để quán triệt, lan tỏa, thấm nhuần trong cấp ủy, tổ chức đảng và quần chúng, nhân dân. Tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng “lãnh đạo phải kiểm tra, không kiểm tra coi như không lãnh đạo”. Vì vậy, người đứng đầu cấp ủy phải tự kiểm tra và trực tiếp lãnh đạo công tác kiểm tra, giám sát trong tổ chức, cấp ủy của mình. Quán triệt và thực hiện những quy định về kiểm tra, giám sát là “không có vùng cấm”, thể hiện sự tin tưởng và tín nhiệm mà các đại biểu Đại hội XIII của Đảng dành cho các Ủy viên Trung ương Đảng. Lấy kiểm tra phòng ngừa là chính, “lấy xây để chống”. Thực tiễn những năm qua cho thấy, ở đâu và khi nào, người đứng đầu cấp ủy quan tâm, coi trọng và trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, thì ở đó, vai trò trách nhiệm của UBKT được phát huy, hoạt động kiểm tra, giám sát được đẩy mạnh; nội bộ đoàn kết thống nhất; kỷ luật, kỷ cương được giữ vững, cán bộ, đảng viên ít vi phạm; thực hiện nhiệm vụ chính trị đạt kết quả tốt; tổ chức đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Thứ hai, qua thực tiễn còn cho thấy một vấn đề nổi lên đó là tình trạng người đứng đầu nói chung và người đứng đầu cấp ủy nói riêng còn vi phạm nghiêm trọng trong thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ; tha hóa quyền lực, lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực. Đảng, các cơ quan tham mưu, trong đó có UBKT Trung ương cần nghiên cứu, xây dựng cơ chế, quy định để “bịt lỗ hổng” nói trên; cấp ủy các cấp phải thường xuyên tự kiểm tra, nhất là đối với cấp ủy viên và cán bộ diện cấp ủy cấp mình quản lý, kịp thời chỉ ra những ưu điểm để phát huy, phát hiện những hạn chế, khuyết điểm để chủ động khắc phục kịp thời; các cấp ủy, tổ chức đảng phải “nhốt” được “quyền lực” của người đứng đầu trong “lồng cơ chế”.

Thứ ba, với việc quán triệt, phổ biến, học tập, nghiên cứu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, người đứng đầu các cấp ủy cần rà soát, định hướng, vận dụng những nhiệm vụ, giải pháp, kế hoạch, khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm của đảng bộ mình cho phù hợp với các chương trình, mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đất nước, vùng miền, nhất là công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng đã đề ra. Đồng thời, thực hiện chế độ bồi dưỡng cho cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có người đứng đầu cấp ủy đảng, để cập nhật kiến thức về công tác kiểm tra, giám sát, nghiên cứu một số chuyên đề, những lĩnh vực, vị trí công tác dễ xảy ra vi phạm; nghiên cứu những tình huống thường xảy ra trong thực tế về vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước, về sự tinh vi của các thủ đoạn tham nhũng, tiêu cực, từ đó rút ra được bài học cần thiết cho công tác lãnh đạo, tránh tình trạng cán bộ cấp cao, người đứng đầu không được thường xuyên cập nhật, bồi dưỡng nâng cao kiến thức cũng như diễn biến từ thực tế.

Thứ tư, xây dựng, thực hiện cơ chế kiểm tra, giám sát, đánh giá người đứng đầu cấp ủy một cách liên tục, cả từ góc độ người đứng đầu làm công tác kiểm tra, giám sát cả trên góc độ kiểm tra, giám sát người đứng đầu. Định kỳ, hoặc khi có yêu cầu đột xuất, cán bộ lãnh đạo mỗi năm một lần báo cáo việc thực hiện chức trách của mình cũng như việc rèn luyện về tư cách, đạo đức của người đảng viên, báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ và việc thực hành liêm chính của bản thân cũng như về tình hình thực thi nhiệm vụ của người đứng đầu, trong đó có việc trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát và sự tham gia trực tiếp về công tác này. Thông qua các báo cáo này, các cơ quan quản lý cấp trên có thể biểu dương, nhân rộng những cá nhân người đứng đầu làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, đồng thời nhắc nhở đối với những hạn chế, khuyết điểm, thiếu  sót mà người đứng đầu chưa thực hiện tốt, điều chỉnh những bất cập trong quá trình công tác đặt ra, không để vụ việc trở nên nghiêm trọng mới bị phát hiện, xử lý.

Thứ năm, phối tốt trong thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, đồng thời phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội theo phương châm hướng về cơ sở, địa bàn dân cư; thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân, làm cầu nối quan trọng giữa Đảng và nhân dân. Củng cố, tăng cường lòng tin, sự gắn bó của nhân dân với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa. Tăng cường hoạt động giám sát của các cơ quan chuyên ngành, chú trọng việc phát huy vai trò giám sát của quần chúng, nhân dân, coi trọng việc lắng nghe ý kiến của cơ quan lập pháp, của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, của các cơ quan truyền thông đại chúng, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của quần chúng, nhân dân. Phát huy sức mạnh giám sát của quần chúng, nhân dân, bảo đảm “quyền được biết” của nhân dân, tôn trọng và lắng nghe ý kiến của nhân dân.

Thứ sáu, xây dựng quy chế, quy định liên đới trách nhiệm liên đối với các Đoàn công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng cũng như các thành viên trong Đoàn khi không phát hiện, đề xuất xử lý những dấu hiệu vi phạm của người đứng đầu cấp ủy và để xảy ra tình trạng vi phạm nghiêm trọng kéo dài. Các cơ quan có trách nhiệm kiểm tra, giám sát nhưng không thực hiện tốt nhiệm vụ của mình hoặc thiếu trách nhiệm sẽ bị xử lý trách nhiệm, ở mức độ nhẹ thì phê bình, nhắc nhở, ở mức độ nặng thì xử lý theo kỷ luật đảng và truy cứu trách nhiệm pháp luật. Cơ quan, tổ chức, cá nhân nào thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát cần ghi nhận, biểu dương và khen thưởng xứng đáng cả về vật chất và tinh thần./.

Vũ Lân

Tác giả: Vũ Lân

Nguồn tin: https://ubkttw.vn

[Trở về]

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

    

Liên kết web

Lượt truy cập

00004486305

Hôm nay: 2373
Hôm qua: 2630
Tháng này: 26738
Tuần này: 10862
Năm này: 616625