Thứ năm, 14/05/2015, 10:06:10
Chào mừng đồng chí và các bạn đã đến với cổng thông tin điện tử Đảng Bộ Khối các cơ quan tỉnh Quảng Nam !
 
  • Site
  • Web
Search

Chi tiết tin tức

Tổ chức kiểm tra (Kiểm tra,giám sát)

Nâng cao chất lượng thẩm tra, xác minh trong công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng

Ngày đăng: 15:51 | 02/08 Lượt xem: 631

Công tác thẩm tra, xác minh là khâu quan trọng, không thể thiếu trong toàn bộ quy trình thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng, nó quyết định đến chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của Đảng; do đó việc đưa ra giải pháp nâng cao chất lượng thẩm tra, xác minh là hết sức cần thiết trong thời gian tới đối với công tác kiểm tra, giám sát trên địa bàn tỉnh.

Kiểm tra, giám sát là những chức năng lãnh đạo của Đảng, là công tác xây dựng Đảng và sinh hoạt nội bộ Đảng, do đó khi tiến hành kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật trong Đảng phải theo đúng nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng, đúng với tính chất của công tác xây dựng Đảng; phải nắm vững và thực hiện đồng bộ, linh hoạt các phương pháp cơ bản của công tác kiểm tra, giám sát, trong đó phải hết sức coi trọng và làm tốt thẩm tra, xác minh, khi chưa thẩm tra, xác minh thì chưa được kết luận.


Hình ảnh công tác thẩm tra, xác minh của Đoàn Kiểm tra UBKT Tỉnh uỷ phục vụ công tác kiểm tra,
giám sát tại huyện Tây Giang

Thời gian qua, công tác thẩm tra, xác minh trong kiểm tra, giám sát trên địa bàn tỉnh Quảng Nam được tiến hành cơ bản đảm bảo quy định, làm cơ sở để xem xét, kết luận chính xác ưu điểm, khuyết điểm, vi phạm của đối tượng kiểm tra, giám sát; chính vì thế, phần lớn các cuộc kiểm tra, giám sát, xử lý kỷ luật được kết luận chặt chẽ, đúng nội dung, tính chất, mức độ, nguyên nhân vi phạm, khuyết điểm, giúp tổ chức đảng và đảng viên nhận rõ trách nhiệm của mình trong việc để xảy ra khuyết điểm, vi phạm.

Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra, giám sát, nhất là kiểm tra tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm và xử lý kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, một số cấp ủy, ủy ban kiểm tra chưa quan tâm nhiều đến công tác thẩm tra, xác minh, không xây dựng kế hoạch thẩm tra, xác minh; xác định nội dung, chọn đối tượng chưa sát; việc thu thập thông tin, tài liệu, bằng chứng của một số đoàn (tổ) kiểm tra  còn lúng túng, chưa linh hoạt; trình độ, năng lực, kỹ năng phân tích, nhận định, đánh giá hạn chế nên việc xác định tính xác thực của từng văn bản, bằng chứng còn lúng túng, chưa kịp thời; công tác phối hợp cung cấp thông tin của đối tượng phục vụ cho việc thẩm tra, xác minh chưa tốt, chưa đầy đủ. Phương pháp làm việc của một số cán bộ kiểm tra còn cứng nhắc, chưa linh hoạt, chưa khéo; khả năng tổng hợp các chứng cứ vào báo cáo kết quả thẩm tra, xác minh chưa tốt.

Để việc thẩm tra, xác minh trong công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của đảng trong thời gian tới trên địa bàn tỉnh Quảng Nam được thực hiện đảm bảo quy định, có chất lượng, hiệu quả cao, cần thực hiện tốt những giải pháp căn bản sau:

Thứ nhất, các tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra các cấp, đảng viên, cán bộ kiểm tra cần nắm vững phương châm, nguyên tắc, vai trò, ý nghĩa của công tác thẩm tra, xác minh. Theo đó, phải luôn xác định thẩm tra, xác minh là khâu rất quan trọng  trong toàn bộ quy trình thực hiện công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng nói chung, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm và xử lý kỷ luật trong Đảng nói riêng. Hiện nay, tính chất vi phạm ngày càng nghiêm trọng và phức tạp, mang tính tập thể, có tổ chức; tính tự giác, trung thực, tinh thần tự phê bình và phê bình của một số cán bộ, đảng viên chưa được phát huy, gây khó khăn cho kết luận kiểm tra, giám sát; chính vì thế, phải hết sức coi trọng công tác thẩm tra, xác minh, coi thẩm tra, xác minh là khâu then chốt trong công tác kiểm tra, giám sát và thi hành ky luật của Đảng.

Thứ hai, coi trọng việc xác định nội dung, đối tượng thẩm tra, xác minh, vì đây chính là những vấn đề đang trong quá trình kiểm tra, giám sát, xử lý kỷ luật mà hiện đang còn nghi vấn, chưa rõ ràng, cần phải được xem xét, làm rõ. Tùy theo nội dung kiểm tra, giám sát, xử lý kỷ luật ở từng lĩnh vực (cụ thể như: công tác tổ chức cán bộ; quản lý, sử dụng đất đai, tài chính; tài nguyên khoáng sản, rừng; đoàn kết nội bộ, mất dân chủ,…) mà xác định nội dung thẩm tra, xác minh khác nhau. Đối tượng thẩm tra, xác minh là các tổ chức, cá nhân; những thông tin, tư liệu, sự việc, hiện vật (cụ thể: sổ sách, chứng từ kế toán; các sổ biên bản; quy định, quy chế; máy ghi âm, hình ảnh;…) có liên quan đến nội dung, đối tượng được kiểm tra, giám sát.

Thứ ba, hết sức coi trọng phương pháp thẩm tra, xác minh, ngoài việc cần thực hiện các phương pháp cơ bản của công tác kiểm tra như dựa vào tổ chức đảng, phát huy tinh thần tự giác của đảng viên, dựa vào kết luận thanh tra, kiểm toán, phát huy trách nhiệm xây dựng Đảng của quần chúng nhân dân, cần chú trọng thực hiện tốt các phương pháp chủ yếu sau:

Xây dựng kế hoạch thẩm tra, xác minh: kế hoạch phải xác định mục đích, yêu cầu, nội dung, thời gian, tổ chức lực lượng tiến hành thẩm tra, xác minh; dự kiến thời gian, phân công nhiệm vụ cho các thành viên; xác định đối tượng thẩm tra, xác minh: những thông tin, chứng cứ cần thu thập và những tổ chức, cá nhân cần tiếp xúc; dự kiến những tình huống có thể phát sinh và cách giải quyết.

Thu thập các bằng chứng, gồm có: người, hiện vật, tài liệu, hồ sơ, hoá đơn, chứng từ… tồn tại khách quan có liên quan đến sự việc, dùng làm căn cứ để khẳng định là sự việc có thật; nghiên cứu, nắm chắc các hồ sơ, tài liệu, hiện vật… , sau đó nhận định, đánh giá tính khách quan, tính hợp pháp, hợp lý của các bằng chứng ấy. Khi cần, gặp những tổ chức, cá nhân có liên quan đến sự việc hoặc hiểu rõ sự việc để thu thập thêm tài liệu, chứng cứ  giúp cho việc nhận xét, đánh giá, kết luận được khách quan, chính xác.

- Khi thu thập tài liệu chứng cứ, cán bộ kiểm tra phải trực tiếp gặp đối tượng, trực tiếp đọc những thông tin, tài liệu, trực tiếp nhìn thấy các vật chứng, không được quan liêu, bàn giấy, nghe báo cáo một chiều mà phải "mắt thấy, tai nghe"; chú trọng nâng cao kỹ năng thu thập thông tin, tài liệu từ nhiều nguồn như: từ cấp trực tiếp quản lý giao nhiệm vụ; văn bản của Đảng, Nhà nước quy định điều chỉnh liên quan đến đối tượng kiểm tra thực hiện; dư luận của quần chúng; báo cáo giải trình của đối tượng kiểm tra. Không được chỉ nghe qua người khác, có nhiều người biết sự việc nhưng chỉ nghe một vài người hoặc chỉ coi trọng những gì đã được nghe, được đọc, nhìn lần đầu mà coi nhẹ những gì được thu thập về sau; phải thu thập được bằng chứng xác thực qua các tài liệu, thông tin từ nhiều phía, nhiều kênh, nhiều chiều có liên quan đến sự việc cần làm rõ. Những thông tin, bằng chứng đã thu thập phải được nghiên cứu, phân tích, đánh giá lại tính khách quan, xác thực, hợp pháp, hợp lý của chúng. Trên cơ sở đó, bằng phương pháp phân tích, so sánh, đối chiếu, quy nạp, với quan điểm lịch sử, cụ thể và bằng kiến thức, kinh nghiệm sống, sự tinh tường, nhạy cảm của mình, cán bộ kiểm tra cần phải lật đi, lật lại vấn đề để cuối cùng có nhận định, kết luận đúng với sự thật. Đây là khâu quan trọng nhất, khó khăn nhất, đòi hỏi cán bộ kiểm tra phải có tinh thần trách nhiệm cao, tác phong tỉ mỷ, cụ thể, phương pháp khoa học và một trình độ, kiến thức cần thiết.

Khi thẩm tra, xác minh, có nhiều vấn đề liên quan đến nhiều lĩnh vực hoạt động của các cơ quan Đảng, Nhà nước, cơ quan bảo vệ pháp luật; trong đó có những nội dung cán bộ hoặc cơ quan kiểm tra không thể tự mình làm sáng tỏ được. Vì vậy, trong trường hợp cần thiết, phải phối hợp, trưng cầu ý kiến giám định của cơ quan nghiệp vụ, chuyên môn có thẩm quyền. Ví dụ: cơ quan y tế  giám định trạng thái tâm thần của một người; cơ quan công an giám định chữ viết, chữ ký, con dấu, vật chứng, hành vi..; cơ quan công chứng Nhà nước thẩm định giấy tờ, văn bản; cơ quan tư tưởng, văn hoá, thông tin thẩm định một bài báo, một tác phẩm  có liên quan đến công tác kiểm tra v.v... Các văn bản giám định phải được cấp có thẩm quyền ký và đóng dấu.

Thứ tư, coi trọng việc nghiên cứu, tổng hợp, xây dựng báo cáo kết quả thẩm tra, xác minh, nhất là những nội dung liên quan trực tiếp đến đối tượng kiểm tra, giám sát nhằm mục đích làm rõ tính khách quan qua tài liệu thẩm tra, xác minh. Ghi rõ ý kiến đồng ý, không đồng ý, những ý kiến khác của đối tượng được kiểm tra và tổ chức có liên quan; khi trao đổi hết sức coi trọng những ý kiến mang tính phản biện, ngược chiều để đi đến kết luận có sự thống nhất và đạt được độ chuẩn xác cao. Trên cơ sở những tài liệu, thông tin, bằng chứng đã thu thập được, qua giám định của cơ quan chuyên môn, nghiệp vụ (nếu có), qua trao đổi với các tổ chức có liên quan, đoàn (tổ) kiểm tra tiến hành xây dựng báo cáo kết quả thẩm tra, xác minh. Nội dung báo cáo cần nêu rõ: những vấn đề cần thẩm tra, xác minh; kết quả thẩm tra, xác minh từng nội dung; nhận xét và đề nghị; trong đó lưu ý cần khẳng định sự việc có hay không có, đúng hay sai, khuyết điểm hay vi phạm, hạn chế hay khuyết điểm; nếu vi phạm thì nêu rõ nội dung, tính chất, mức độ, tác hại, nguyên nhân vi phạm của từng cá nhân và từng tổ chức; ý kiến đề nghị giải quyết.

Thẩm tra, xác minh là công việc, là khâu rất quan trọng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thẩm tra, xác minh là một yêu cầu tất yếu, rất cần thiết, nhưng đồng thời cũng là đòi hỏi hết sức khó khăn, phức tạp và nặng nề. Chính vì thế, các tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra các cấp, cán bộ kiểm tra cần tiếp tục nghiên cứu, thực hiện một cách đồng bộ, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thẩm tra, xác minh trong kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng trong thời gian tới.

      Tác giả: Huỳnh Huệ, Trưởng phòng Nghiệp 2, UBKT Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Hợi, Phó Chủ nhiệm UBKT Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh


[Trở về]

Các tin cũ hơn:

    

Liên kết web

Lượt truy cập

00004486375

Hôm nay: 2443
Hôm qua: 2630
Tháng này: 26808
Tuần này: 10932
Năm này: 616695