Sáng 26/10, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai tổ chức cuộc họp trực tuyến với các tỉnh, thành phố Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi… để bàn các giải pháp ứng phó với bão số 9. Thủ tướng Chính phủ đã tới dự và chỉ đạo cuộc họp.
Cùng dự cuộc họp có Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng - Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường; đại diện các bộ, ngành liên quan và các địa phương dự kiến chịu ảnh hưởng của bão số 9.
Bão số 9 cường độ rất mạnh, ảnh hưởng từ Bắc Trung bộ đến Nam Trung bộ
|
Ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng Thủy văn Quốc gia
phát biểu tại cuộc họp. (Ảnh: BT) |
Ông Mai Văn Khiêm – Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, bão số 9 di chuyển nhanh, cường độ mạnh, phạm vi ảnh hưởng trên đất liền rất rộng, từ Bắc Trung bộ đến Nam Trung bộ. Bão sẽ ảnh hưởng đến ven bờ đất liền từ 36-48h tới. Dự báo, bão đạt cấp 13- 14 trên Biển Đông, và đạt cấp 12 khi vào ven bờ. Nhiều khả năng, bão vẫn giữ cường độ mạnh khi tiến về miền Trung Việt Nam.
Bên cạnh đó, ảnh hưởng của gió mạnh do bão sẽ bắt đầu từ chiều 27/10 trên các vùng biển ven bờ, trong đó có dông lốc và gió giật mạnh. Từ đêm ngày mai (27/10) đến sáng ngày 28/10, khu vực ven bờ đất liền chịu ảnh hưởng trực tiếp của hoàn lưu của bão. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 4.
Ông Khiêm cũng lưu ý, vùng gió mạnh, hoàn lưu bão kéo dài đến trong cả ngày đến đêm tối ngày 28/10. Vì vậy, người dân cần chủ động phòng tránh gió mạnh, phạm vi ảnh hưởng từ Nam Nghệ An đến Khánh Hòa, trong đó, trọng tâm từ Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng đến Quy Nhơn, Phú Yên.
Cũng theo ông Khiêm, cường độ của bão gây sóng cao, từ 8-10m ở Biển Đông, ven bờ từ Quảng Bình đến Phú Yên từ 4-7m. Đồng thời, nước dâng cao 1m, nguy cơ ngập lụt vùng ven biển.
Với lượng mưa, phạm vi mưa rộng từ Bắc Trung bộ, từ Nam Nghệ An đến khu vực Phú Yên. Với lượng mưa tập trung từ 200-400mm, phổ biến từ chiều mai đến 29/10. Tuy nhiên, với không khí lạnh tăng cường, các tỉnh nam Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị có mưa từ 500-700mm.
Đồng thời, các sông từ Nghệ An đến Phú Yên, xuất hiện mức lũ mới, một số sông vượt báo động 3. Với cập nhật mưa như vậy, cộng với thực tế hiện nay độ ẩm đất bão hòa, cảnh báo nguy cơ cao sạt lở đất ở khu vực vùng núi.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Trần Quang Hoài – Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai nhấn mạnh, nếu như bão đúng như kịch bản dự báo, khả năng sẽ phải sơ tán 1,279 triệu người dân. Về tổng số tàu thuyền, hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của bão 65 nghìn tàu thuyền, hiện mới thông báo được 45 nghìn tàu, vẫn còn 20 nghìn tàu chưa được thông báo. Đây là số lượng lớn, cần khẩn trương kêu gọi hướng dẫn.
Về nuôi trồng thủy sản, đây là khu vực có số lượng rất lớn với 14 nghìn ha nuôi trồng thủy hải sản và 200 nghìn lồng bè; nhất là các địa phương Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên,… các địa phương cần rà soát, lưu ý.
Ông Hoài đề nghị, trong tối mai (27/10) phải xong việc kiểm đếm kêu gọi tàu thuyền, cần chú ý đến các tàu vận tải, cương quyết cấm biển do đây là cơn bão rất lớn. Đồng thời, cương quyết không cho người dân quay lại lồng bè khi bão vào.
Đồng thời, sẵn sàng cho việc đảm bảo an toàn cho người dân trên đảo, ven biển, sẵn sàng phương tiện cứu hộ, cứu nạn. Ở trên đất liền, cần phải sơ tán dân theo kịch bản, ngoài ra chủ động cho học sinh nghỉ học, chằng chống nhà cửa của người dân. Đồng thời, cần đảm bảo an toàn cho hệ thống đê điều và hồ chứa ở khu vực này.
Không được mất cảnh giác khi ứng phó với bão số 9
|
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. (Ảnh: BT) |
Chỉ đạo tại cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, chúng ta đang ở trong tình trạng “bão chồng bão”, “lũ chồng lũ”, đặc biệt là khu vực miền Trung. Thủ tướng đề nghị, không được mất cảnh giác, đồng thời, có tinh thần chủ động phòng chống bão tốt nhất, để giúp giảm thiệt hại cho người dân khi có bão vào.
Hiện nay, việc đầu tiên cần chú ý đến là công tác cứu hộ, cứu nạn, hỗ trợ cho người dân 5 tỉnh miền Trung. Tìm kiếm người mất tích, hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống, không để người dân màn trời, chiếu đất, đói rét và các khó khăn khác.
Đối với bão số 9, dự báo gió bão dông lốc mạnh, kéo dài trong ngày 28/10, Thủ tướng đề nghị cần đảm bảo an toàn cho con người trên tàu, lồng bè. Đây là công việc rất quan trọng ở khu vực này.
“Bây giờ cứu người là quan trọng nhất, cần có các giải pháp kêu gọi tàu bè, di dời dân, kiên quyết đưa ngư cụ lên bờ, người dân trên lồng bè lên bờ khi bão đến” – Thủ tướng nhấn mạnh
Thủ tướng cũng lưu ý, nếu bão đúng như cấp dự báo thì nguy hại rất lớn, sóng lớn, gió lớn. Cùng với sóng biển, lũ sông dâng lên, cho nên lũ quay lại nhanh chóng nếu hoàn lưu bão lớn như thế này. Đồng thời, với mưa lớn, có thể gây ngập lụt, Thủ tướng đề nghị các đơn vị, địa phương cần bao quát tình hình để xử lý tình huống cấp bách. Đi cùng với bão, sạt lở núi là điều có thể xảy ra. Một số địa phương đã chủ động trong di dời dân nên lần này phải di dời dân tiếp để bảo vệ tính mạng cho người dân.
Thủ tướng cũng đề nghị, cần quan tâm đến vấn đề chằng chống nhà cửa an toàn. Đặc biệt là các hồ đập, cần theo dõi các hồ đập, tính mực nước, kiểm soát một cách chặt chẽ, không để sự cố như hồ Kẻ Gỗ vừa rồi. Bên cạnh đó, ngay sau bão, cần có các biện pháp, thậm chí sử dụng các phương tiện xe thiết giáp, trực thăng để tìm người dân, không để người dân bị đe dọa tính mạng bởi bão lũ.
Sau bão lũ, các lực lượng chức năng, EVN cần đảm bảo cung ứng điện cho người dân. Đồng thời, giao thông cần thông suốt, không để ách tắc nhiều ngày. Các ngành, địa phương liên quan chuẩn bị hàng hóa để sẵn sàng hỗ trợ người dân, không để người dân thiếu thốn khi bão lũ xảy ra.
Thủ tướng yêu cầu các địa phương quán triệt tinh thần ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”, từ tỉnh, huyện, xã không để bị động bất ngờ, không chờ đợi. Tăng cường các biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt, sát thực tiễn ở từng địa phương, nhất là các địa phương chưa gặp bão lớn. Đồng thời, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương không tổ chức họp các cuộc họp chưa cần thiết để tập trung đôn đốc, vận động người dân tổ chức phòng chống bão, lũ./.