Tại buổi làm việc với Thủ tướng Phạm Minh Chính hôm 27-3, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và Tập đoàn Trường Hải (THACO) đã báo cáo những khó khăn, vướng mắc về hạ tầng giao thông. Qua đó, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và THACO kiến nghị Thủ tướng cho chủ trương về việc đầu tư đường lên biên giới Việt - Lào, kết nối các tỉnh Tây Nguyên.
Hai quốc lộ xuống cấp trầm trọng
Theo ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, vùng phía Tây của tỉnh rộng hơn 7.800 km2, chiếm 74% diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Vùng này có điều kiện tốt để phát triển công nghiệp thủy điện, nông lâm nghiệp, dược liệu, kinh tế vườn, kinh tế trang trại, du lịch sinh thái, khai thác chế biến khoáng sản... Tuy nhiên, đường giao thông từ đồng bằng lên miền núi còn nhỏ hẹp, xuống cấp, hư hỏng..., cản trở rất lớn đối với sự phát triển.
Đặc biệt, Quốc lộ 14D và 14E là tuyến đường thuộc Hành lang Kinh tế Đông - Tây, kết nối Nam Myanmar - Đông Bắc Thái Lan - Trung Lào - miền Trung Việt Nam qua cửa khẩu quốc tế Nam Giang (Quảng Nam) đến cảng Đà Nẵng, cảng Chu Lai (Quảng Nam), cảng Dung Quất (Quảng Ngãi), có vị trí thuận lợi và rất quan trọng đối với Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung nhưng đang xuống cấp nghiêm trọng.
Trong đó, Quốc lộ 14E dài 73 km, nối từ Quốc lộ 1 đến đường Hồ Chí Minh. Tháng 8-2021, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ này với tổng kinh phí dự kiến 1.850 tỉ đồng trong giai đoạn 2021-2025. Tỉnh Quảng Nam đề nghị Thủ tướng có ý kiến để Bộ GTVT triển khai dự án này trong năm 2023.
Quốc lộ 14D qua địa phận huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam nhỏ hẹp, nhiều nơi xuống cấp, hư hỏng khiến các phương tiện lưu thông gặp nhiều khó khăn
Quốc lộ 14D dài 74 km, là đoạn tiếp theo của Quốc lộ 14E, nối từ đường Hồ Chí Minh đến cửa khẩu quốc tế Nam Giang. Tuyến đường cấp VI - V miền núi này nhỏ hẹp, đã xuống cấp, hư hỏng, là điểm nghẽn trên Hành lang Kinh tế Đông - Tây. Bộ GTVT đã khảo sát nhưng chưa phê duyệt chủ trương đầu tư vì khó khăn về nguồn vốn giai đoạn 2021-2025.
Ông Lê Trí Thanh cho rằng khi được cải tạo, nâng cấp, Quốc lộ 14D sẽ kết nối với TP Đà Nẵng qua Quốc lộ 14B và kết nối với Chu Lai - Hội An (Quảng Nam) qua Quốc lộ 14E rất thuận lợi, mở rộng không gian phát triển về phía Tây cho cả Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung. Từ đó, tỉnh Quảng Nam đề nghị Thủ tướng cho phép đầu tư nâng cấp, mở rộng quốc lộ này theo hình thức BOT trên nền đường cũ, thực hiện thu phí tại cửa khẩu quốc tế Nam Giang (chỉ áp dụng đối với ôtô qua cửa khẩu).
Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT THACO, cho hay từ năm 2018, tập đoàn đã "giải cứu" Công ty Hoàng Anh Gia Lai Agrico bằng hình thức mua lại toàn bộ diện tích 84.000 ha cao su và cọ dầu. Trên cơ sở phát triển sản xuất nông nghiệp ở Lào, Campuchia, Tây Nguyên cùng với sản xuất, chế biến sâu về sản phẩm nông nghiệp và phát triển công nghiệp cơ khí, sản xuất, lắp ráp ôtô ở Quảng Nam thì bất cập lớn nhất hiện nay là logistics ở Chu Lai và chi phí vận tải biển.
Vì vậy, ông Trần Bá Dương đề xuất đầu tư cảng biển Chu Lai đáp ứng tàu 5 vạn tấn vận hành và đầu tư tuyến đường lên biên giới, kết nối với vùng trồng ở Tây Nguyên, Lào, Campuchia. Theo ông, đồng bộ được hệ thống giao thông sẽ giải quyết được khó khăn lớn nhất của Quảng Nam, Chu Lai nói riêng và miền Trung nói chung là chi phí logistics.
Làm đường mới và thẳng nhất có thể
Đối với hạ tầng giao thông, Chủ tịch HĐQT THACO cho hay tỉnh Quảng Nam mong muốn đầu tư theo con đường hiện hữu trên cơ sở nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 14E và 14D. Phương án này THACO thống nhất thực hiện, song nguyện vọng của tập đoàn là làm một con đường hoàn toàn mới.
THACO đã tiến hành khảo sát, nhận thấy nếu làm đường mới sẽ rút ngắn được khoảng 40-50 km so với đường hiện hữu. Khi làm đường mới, những nơi qua rừng tự nhiên sẽ đi trên cao - vừa hạn chế tác động đến rừng vừa tạo cảnh quan. "Với công nghệ hiện nay thì chi phí làm đường mới không cao, vẫn rẻ hơn so với chi phí đền bù nếu mở rộng đường hiện hữu" - ông Trần Bá Dương cho biết.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho rằng nếu làm đường mới thì vẫn cần phải duy trì Quốc lộ 14E và 14D vì dân cư dọc 2 tuyến đường này rất đông, cần tạo điều kiện cho họ sinh sống, làm ăn. Ông đề nghị THACO cùng tỉnh Quảng Nam tính toán, nếu làm đường mới thì Bộ GTVT sẽ hỗ trợ nghiên cứu hướng tuyến mới sao cho hiệu quả, ít chi phí.
Liên quan vấn đề này, tại buổi làm việc với lãnh đạo THACO và tỉnh Quảng Nam hôm 27-3, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhìn nhận Quảng Nam dù đang có 3 tuyến đường bộ - gồm đường cao tốc, Quốc lộ 1 và đường ven biển; có sân bay Chu Lai và Đà Nẵng có sân bay Đà Nẵng nhưng Quảng Nam và Đà Nẵng kết nối vùng vẫn còn rất khó khăn. Từ đó, Thủ tướng đề nghị THACO làm 2 việc: Đầu tư cảng biển Chu Lai và đầu tư đường lên biên giới, kết nối với các tỉnh Tây Nguyên, nước bạn Lào.
Thủ tướng cho rằng không làm theo đường cũ mà cần phải đầu tư đường mới, thẳng nhất có thể theo tinh thần qua sông thì bắc cầu, qua núi thì khoét núi, qua đồng ruộng thì đổ đất, đổ cát. Thủ tướng yêu cầu tỉnh Quảng Nam và các bộ, ngành chức năng tập trung giải quyết các thủ tục liên quan để triển khai trong thời gian sớm nhất, đến năm 2025 phải hoàn thành.
Xã hội hóa đầu tư, khai thác sân bay Chu Lai
Cũng tại buổi làm việc nêu trên, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã kiến nghị Chính phủ giao UBND tỉnh chủ trì, phối hợp các bộ, ngành liên quan xây dựng đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác Cảng Hàng không Chu Lai, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của cảng hàng không này với các chức năng theo quy hoạch được duyệt; cho phép xây dựng cơ chế hoạt động của khu phi thuế quan Tam Quang gắn với Cảng Hàng không Chu Lai.
Về đề xuất này, Thủ tướng cơ bản thống nhất, đồng thời yêu cầu Bộ GTVT thành lập tổ công tác do một thứ trưởng làm tổ trưởng để phối hợp với địa phương xử lý ngay những vướng mắc.