|
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới sân bay quốc tế Schiphol, thành phố Amsterdam, bắt đầu thăm chính thức Vương quốc Hà Lan |
Sau 2 ngày thăm chính thức Đại Công quốc Luxembourg, vào 17h ngày 10/12 (giờ địa phương), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới sân bay quốc tế Schiphol, thành phố Amsterdam, bắt đầu thăm chính thức Vương quốc Hà Lan theo lời mời của Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte.
Dự kiến trong chuyến thăm chính thức Hà Lan, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ có các cuộc hội kiến, hội đàm, gặp các nhà lãnh đạo Hà Lan gồm: Hoàng hậu Hà Lan, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, Chủ tịch Thượng viện Hà Lan, Chủ tịch Hạ viện Hà Lan; tiếp các Thị trưởng các thành phố lớn của Hà Lan; thăm các cơ sở kinh tế lớn như khu công nghệ, cảng biển; dự diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Hà Lan và chứng kiến lễ ký các văn kiện hợp tác giữa hai nước; gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Hà Lan...
Việt Nam và Hà Lan thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 9/4/1973. Trải qua gần 50 năm, hai nước đã xây dựng được mối quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp. Quan hệ Việt Nam - Hà Lan được đánh giá là điển hình của mối quan hệ năng động và hiệu quả, phát triển tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực như chính trị - ngoại giao, kinh tế, giáo dục - đào tạo, quốc phòng - an ninh...và ngày càng đi vào chiều sâu.
Hai nước đã thiết lập Đối tác chiến lược về Thích ứng với Biến đổi khí hậu và Quản lý nước (10/2010), có Ủy ban liên Chính phủ điều phối hoạt động, đến năm 2021 đã họp 07 phiên và Đối tác Chiến lược về Nông nghiệp Bền vững và An ninh Lương thực (6/2014). Đây là những lĩnh vực Hà Lan có thế mạnh và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng có thể tận dụng sự hợp tác giúp đỡ của Hà Lan. Hai bên nâng cấp quan hệ lên Đối tác toàn diện nhân chuyến thăm của Thủ tướng Mark Rutte đến Việt Nam (4/2019).
Hai bên tích cực hợp tác tại các tổ chức và diễn đàn đa phương quốc tế và khu vực, nhất là trong khuôn khổ Liên hợp quốc, ASEM, ASEAN - EU. Việt Nam ủng hộ Hà Lan vào Hội đồng nhân quyền LHQ (UNHCR) 2015 - 2017, Hội đồng bảo an (UNSC) 2017 - 2018, Tổ chức Hàng không ICAO 2020 - 2022, Ủy ban Xóa bỏ phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) 2021 - 2024. Hà Lan ủng hộ Việt Nam vào: Ủy ban Ranh giới thềm lục địa (CLCS) 2012 - 2017, Hội đồng nhân quyền (UNHCR) 2014 - 2016, Hội đồng Kinh tế Xã hội (ECOSOC) 2016 - 2018, Hội đồng bảo an (UNSC) 2020 - 2021, Hội đồng Chấp hành UNESCO 2021 - 2025.
Hai bên thường xuyên tiếp xúc cấp cao bên lề các hội nghị lớn như Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos (1/2019, 2018, 2017), ASEM tại Bỉ (10/2018), Hội nghị Cấp cao ASEM11 tại Mông Cổ (7/2016), Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân lần thứ ba tại La Hay (24-26/3/2014)…; ủng hộ quan hệ Việt Nam - EU và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU; hợp tác với Việt Nam (trên tư cách Chủ tịch EU 6 tháng cuối năm 2004) tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh ASEM-5 tại Hà Nội; phối hợp với Việt Nam đưa ra Tài liệu quan điểm chung về Các vấn đề Phát triển, Biến đổi khí hậu và Tăng trưởng xanh tại Hội nghị G20.
Trong những năm qua, quan hệ Việt Nam - Hà Lan phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, nhất là về đầu tư, thương mại, nông nghiệp và ứng phó với biến đổi khí hậu. Hà Lan là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam ở châu Âu và là nhà đầu tư lớn nhất của EU tại Việt Nam. Quan hệ thương mại Việt Nam - Hà Lan không ngừng phát triển, kim ngạch thương mại khá lớn và tăng đều hàng năm, trong đó Việt Nam luôn xuất siêu. Từ năm 2002, xuất khẩu sang Hà Lan bắt đầu có chiều hướng tăng mạnh, trung bình khoảng 15%/năm. Hà Lan hiện là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tại Châu Âu. Trao đổi thương mại song phương năm 2021 đạt 8,37 tỷ USD, tăng gần 10% so với năm 2020; 9 tháng của năm 2022 đạt 8,2 tỷ USD, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2021.
|
Ra sân bay quốc tế Schiphol đón Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam có Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam Kees van Baar; Vụ trưởng vụ Lễ tân, Bộ Ngoại giao Hà Lan Dominique Kuhling; Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan Phạm Việt Anh và cán bộ Đại sứ quán, kiều bào ta tại Hà Lan. |
Về đầu tư, Hà Lan luôn là một trong những nhà đầu tư Châu Âu lớn nhất tại Việt Nam. Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến tháng 01/2022, đối với những dự án FDI còn hiệu lực, Hà Lan xếp thứ 8/140 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam với 380 dự án trị giá hơn 13,5 tỷ USD và là nhà đầu tư Châu Âu lớn nhất tại Việt Nam. Một số dự án đầu tư đáng chú ý của Hà Lan tại Việt Nam gồm: nhà máy điện Mông Dương trị giá 2,1 tỷ USD và nhà máy điện Phú Mỹ 3 trị giá 410 triệu USD; Công ty Pepsico Việt Nam trị giá 180 triệu USD.
Các dự án đầu tư chủ yếu thực hiện tại các tỉnh phía Nam: TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương…Ngoài một số dự án đầu tư lớn trên, các dự án đầu tư của Hà Lan nhìn chung có quy mô vừa và nhỏ. Nhiều dự án đầu tư của các tập đoàn lớn hoạt động rất hiệu quả như Heineken (bia Heineken, Tiger, Bivina), Unilever (chất tẩy rửa, hoá mỹ phẩm, kem Wall), Royal Dutch Shell (khai thác và phân phối dầu khí), Foremost (sữa), Akzo Nobel Coating (hoá dược), Philips (điện tử)...
Trong khuôn khổ Đối tác chiến lược về biến đổi khí hậu và nông nghiệp bền vững, hai bên đã triển khai nhiều chương trình, dự án hợp tác mang định hướng trung và dài hạn. Hai năm qua, Việt Nam cũng nhận được hỗ trợ của Hà Lan 1 triệu liều vaccine phòng Covid-19, các trang thiết bị trị giá 43 tỷ đồng.
Ngay sau khi lập quan hệ ngoại giao năm 1973, Hà Lan bắt đầu viện trợ ODA không hoàn lại cho Việt Nam, chủ yếu trong lĩnh vực nhân đạo, giáo dục-đào tạo và y tế.
Giai đoạn 2000 - 2005, Hà Lan cam kết tài trợ không hoàn lại cho Việt Nam bình quân khoảng 25 - 27 triệu Euro/năm, 36 triệu Euro/năm giai đoạn 2006-2008. Kể từ năm 2011, cam kết của Hà Lan dành cho Việt Nam giảm nhẹ, trung bình khoảng 30 triệu Euro/năm, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên: bảo tồn rừng và đa dạng sinh học, y tế, quản lý nguồn nước và các vấn đề có tính liên ngành như xoá đói giảm nghèo, giới và phát triển, quản lý nhà nước…
Giai đoạn 2011 - 2014, Hà Lan xếp Việt Nam vào nhóm nước có thu nhập trung bình, tuy không nằm trong nhóm 30 nước ưu tiên nhận viện trợ của Hà Lan nhưng vẫn trong nhóm 3 nước "quá độ” sang quan hệ đối tác bình đẳng (Colombia, Việt Nam và Nam Phi). ODA của Hà Lan cho Việt Nam vẫn tiếp tục nhưng giảm dần và tập trung vào một số lĩnh vực rất chọn lọc như: đối tác công - tư (tập trung vào các dự án nhỏ), an toàn thực phẩm, y tế và quản lý nước. Để chuyển dần sang quan hệ Đối tác, Hà Lan triển khai một số chương trình như: ORIO, NICHE, Đối tác Công - Tư…
Từ 01/2014, Hà Lan đã chuyển quan hệ với Việt Nam sang “đối tác thương mại” đặt trọng tâm thúc đẩy thương mại và đầu tư với Việt Nam nhằm góp phần tăng trưởng kinh tế và việc làm của Hà Lan. Tuy vậy, Hà Lan vẫn tiếp tục tài trợ cho nhiều tổ chức xã hội tại Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực xã hội và kinh tế.
Hai bên đã thiết lập Quan hệ Đối tác chiến lược về Thích ứng với biến đổi khí hậu và Quản lý nước từ năm 2010. Trong khuôn khổ Đối tác chiến lược về Thích ứng với Biến đổi khí hậu và Quản lý nước, hai bên thiết lập Ủy ban liên Chính phủ điều phối hoạt động, phía Việt Nam do 1 Phó Thủ tướng làm chủ tịch phân ban, đến năm 2021 hai bên đã họp 07 phiên. Nhiều dự án trong lĩnh vực và khuôn khổ Ủy ban được triển khai hiệu quả đặc biệt là Kế hoạch Đồng bằng sông Cửu Long với tầm nhìn dài hạn đã đưa ra nhiều khuyến nghị, tập trung giải quyết các vấn đề quản lý tài nguyên nước, thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm đưa Đồng bằng Sông Cửu Long trở thành một khu vực kinh tế phát triển bền vững.
Tại phiên họp gần nhất (T11/2019), hai bên đã trao đổi về phương hướng hợp tác, cập nhật và triển khai Kế hoạch Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới như tái cấu trúc và xây dựng liên kết vùng, xem xét khả năng tiếp cận nguồn viện trợ của Quỹ Khí hậu xanh cho các dự án chuyển đổi, đánh giá tác động môi trường sinh thái của Kế hoạch, phát huy mô hình hợp tác công tư – PPP; tiếp tục triển khai Dự án Thăng & Trầm và dự án Ngân hàng Đất. Hai bên cũng đã trao đổi các dự án cụ thể và phương án tài chính cho Chương trình “Thành phố Hồ Chí Minh phát triển hướng ra biển, thích ứng với biến đổi khí hậu” và hợp tác giữa Hà Nội và Am-xtéc-đam liên quan đến sông Tô Lịch; trao đổi về việc triển khai dự án quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng – sông Thái Bình giai đoạn 2020-2030 và tầm nhìn 2050; đánh giá triển vọng của Chương trình Dữ liệu địa lý về Nước và Nông nghiệp tại Việt Nam. Hà Lan nhấn mạnh tầm quan trọng của Kế hoạch đồng bằng sông Cửu Long và vai trò quan trọng của nông nghiệp đối với tương lai phát triển của khu vực. Chủ tịch Phân ban Hà Lan khẳng định sẵn sàng trợ giúp và chuyển giao kỹ thuật cho Việt Nam phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long. Kết thúc phiên họp, hai đồng chủ trì đã ký Biên bản cuộc họp.
Hai bên đã ký Thỏa thuận Đối tác chiến lược về Nông nghiệp bền vững và An ninh lương thực năm 2014, triển khai hợp tác trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, xây dựng mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu. Hà Lan hiện là nhà đầu tư lớn vào ngành nông nghiệp Việt Nam và đang từng bước giúp Việt Nam xây dựng nền sản xuất nông nghiệp bền vững, gia tăng giá trị hàng hóa xuất khẩu trong lĩnh vực rau-hoa quả, làm vường, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.
Nhân chuyến thăm của Thủ tướng Mark Rutte đến Việt Nam 04/2019, hai bên đã ký kết Bản ghi nhớ giữa Thủ tướng hai nước về hợp tác chuyển đổi nông nghiệp bền vững vùng ĐBSCL nhằm: Chi tiết hóa kịch bản Kinh doanh Nông nghiệp đã được đưa ra trong Kế hoạch ĐBSCL (MDP) được Chính phủ Việt Nam thông qua vào tháng 12 năm 2013; Xác định cơ cấu tổ chức quản lý hiệu quả và phương án kêu goi các nhà tài trợ/hợp tác cho Chương trình/Kế hoạch; và Hỗ trợ quan hệ đối tác công - tư trong việc phát triển các phương thức canh tác đổi mới phù hợp với hoàn cảnh ở vùng ĐBSCL dựa trên kịch bản Kinh doanh nông nghiệp. Đến nay, hai Bên đã tích cực hợp tác và đã tổ chức nhiều buổi làm việc cấp kỹ thuật, tham vấn các đối tác liên quan, các bộ ngành và các nhà tài trợ/phát triển (WB, ADB, JICA, IUCN, GIZ, SNV…) quan tâm đến phát triển khu vực ĐBSCL.
Một số dự án lớn liên quan đến phát triển và chuyển đổi nông nghiệp đang trong quá trình đàm phán và chuẩn bị tại khu vực ĐBSCL bao gồm: Hạ tầng cho Chuỗi giá trị nông nghiệp thông minh phù hợp với điều kiện khí hậu (ADB, dự kiến thực hiện 2023-2028), Xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu cho chuyển đổi nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu ở các tỉnh ven biển ĐBSCL (ADB), Dự án chuyển đổi Đồng bằng sông Cửu Long nhằm hỗ trợ cảnh quan chống chịu khí hậu (WB, 2022-2027)…
An ninh - Quốc phòng, chủ yếu là các hợp đồng đóng tàu quân sự với Tập đoàn Damen. Từ 2008 đến nay, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã ký khoảng 40 hợp đồng trị giá 96 triệu USD mua trang thiết bị, vật tư và dịch vụ tư vấn thiết kế kỹ thuật và dịch vụ hỗ trợ đóng tàu. Nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan (9/2011), hai bên đã ký MOU hợp tác trong lĩnh vực Quốc phòng, trong đó có nội dung trao đổi đoàn cấp cao. Trong chuyến thăm Hà Lan của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (7/2017), hai bên đã ký thỏa thuận về việc Tập đoàn Damen đóng 06 tàu tuần tra đa năng xa bờ cho Lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam.
Trong lĩnh vực an ninh, Từ 2015 đến nay, phía Hà Lan đã hỗ trợ Việt Nam triển khai các chương trình tập huấn, hội thảo nhằm nâng cao năng lực thực thi “Công ước của Liên Hợp quốc về chống tra tấn và trừng phạt hoặc đối xử tàn nhẫn, vô nhân đạo làm mất phẩm giá khác” tại Việt Nam; hai bên cũng đang chuẩn bị thiết lập cơ chế đối thoại, hợp tác an ninh song phương trong đấu tranh phòng chống khủng bố, chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, tội phạm ma túy, rửa tiền...
Trong những năm qua, hơn 60 trường Hà Lan và hơn 120 cơ sở đào tạo của Việt Nam đã thiết lập quan hệ hợp tác giáo dục bậc đại học. Tài trợ và học bổng của Hà Lan cho Việt Nam ước tính khoảng 90 triệu Euro. Văn phòng Hỗ trợ giáo dục Hà Lan (NUFFIC NESO Vietnam) chính thức hoạt động tại Việt Nam (2006) góp phần thúc đẩy thông tin học bổng, kết nối lưu học sinh..., góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ hợp tác giữa các trường đại học của hai quốc gia.
Hà Lan giúp Việt Nam trong nhiều dự án, gồm Chương trình hợp tác liên đại học Việt Nam - Hà Lan, 2 chương trình học bổng là Chương trình học bổng của Chính phủ Hà Lan và Chương trình học bổng Huygens với số lượng từ 30-50 học bổng/năm. Tháng 8/2002, Hà Lan đưa Việt Nam vào danh sách được hưởng quy chế đặc biệt trong hợp tác đào tạo đại học. Nhiều đại học, viện nghiên cứu Việt Nam đã thiết lập quan hệ hợp tác đào tạo nghiên cứu chặt chẽ với các đối tác Hà Lan. Các ngành sinh viên Việt Nam theo học tại Hà Lan gồm kinh tế, quản trị kinh doanh, kỹ thuật và công nghệ.
Từ năm 2006 đến nay, trung bình mỗi năm có khoảng 170 sinh viên Việt Nam sang học tập tại Hà Lan ở các bậc cử nhân (46,3%), thạc sỹ (28,5%), tiến sỹ (14%) và các khóa học ngắn hạn khác. Các ngành sinh viên Việt Nam theo học gồm kinh tế, quản trị kinh doanh, kỹ thuật và công nghệ. Ngoài ra, hàng năm Chính phủ Hà Lan (thông qua Bộ Ngoại giao Hà Lan) hỗ trợ cho Việt Nam một số chương trình đào tạo chuyên sâu về luật quốc tế, quan hệ quốc tế, luật biển, công ước quốc tế về chống tra tấn (UNCAT). Giữa các bộ ngành Việt Nam và Hà Lan đều có chương trình hợp tác trong đào tạo nguồn nhân lực.
Hai bên hợp tác trong lĩnh vực biến đổi khí hậu ngành hàng hải và đường thủy; hợp tác trong lĩnh vực hàng không (Hiệp định cấp Chính phủ về vận tải hàng không giữa và qua lãnh thổ hai nước ký chính thức tháng 10/1993 tại Hà Nội; Nghị định thư sửa đổi ký năm 2011; tháng 10/2016, hai bên ký Bản ghi nhớ hợp tác nhằm hỗ trợ chuyển giao kiến thức, nâng cao năng lực cho các cơ quan hàng không của Việt Nam; hiện Vietnam Airlines và KLM Royal Dutch Airlines đã ký kết Hợp đồng hợp tác liên danh trên các chuyến bay của KL giữa Amsterdam-Paris với tần suất 05 chuyến/tuần và trên các chuyến bay của Vietnam Airlines giữa TPHCM – Bangkok với tần suất 07 chuyến/tuần; hai bên đang nghiên cứu khả năng khai thác đường bay trực tiếp); hợp tác chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường năng lực cho ngành GTVT; hợp tác giữa các doanh nghiệp ngành GTVT hai nước (Tập đoàn Damen và Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy SBIC đã hợp tác lập Công ty TNHH đóng tàu Damen - Sông Cấm và đầu tư xây dựng nhà máy đóng tàu Damen - Sông Cấm, hoạt động từ năm 2014. Đây là nhà máy đóng mới và sữa chữa tàu chuyên dụng lớn nhất và hiện đại nhất của Tập đoàn Damen ở nước ngoài. Đến nay, nhà máy đã đóng hơn 100 sản phẩm tàu các loại. Hiện Vinalines đang trao đổi với Tập đoàn Steinweg về việc thành lập trung tâm Logistics, phân phối hàng hóa Việt Nam tại Châu Âu).
Nhân chuyến thăm Hà Lan của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (7/2017), hai bên đã ký Ý định thư giữa Đối tác Hàng hải thuộc Chương trình Kinh doanh Quốc tế Hà Lan (PIB) hợp tác với Tổ hợp thủy Việt Nam về hàng hải, cảng và đường thủy nội địa; Bản ghi nhớ giữa Cục Đường thủy nội địa Việt Nam và Tập đoàn STC Hà Lan. Trong chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Ngoại thương và Hợp tác phát triển Hà Lan Sigrid Kaag (02/2018), hai bên đã ký thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực vận tải thủy.
Hai nước đã có hợp tác ban đầu trong lĩnh vực hải quan. Cuối tháng 11/2016, đoàn Hải quan Hà Lan đã thăm làm việc với Hải quan Việt Nam và tiến hành trao đổi sơ bộ đầu tiên về thẩm quyền, quy trình ký kết và giới thiệu chức năng, nhiệm vụ của cơ quan hải quan hai nước. Sau một thời gian trao đổi dự thảo Hiệp định, nhân chuyến thăm của Thủ tướng Mark Rutte (4/2019), hai bên đã ký kết Hiệp định về hỗ trợ hành chính lẫn nhau trong lĩnh vực Hải quan (Hà Lan đã ký hơn 30 Hiệp định trong lĩnh vực này ở cấp Nhà nước). Khi Hiệp định trên được ký kết thông qua, Hà Lan sẽ là nước EU đầu tiên hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực này.
Ngày 14/01/2002, cơ quan hàng hải của hai nước đã ký Thỏa thuận công nhận giấy chứng nhận khả năng chuyên môn cho thuyền viên theo Quy định I/10 của Công ước STCW. Thỏa thuận này có hiệu lực từ năm 2003. Hoạt động hợp tác hàng hải song phương hiện nay gồm đóng tàu tìm kiếm cứu nạn, hợp tác đào tạo với Đại học Hàng hải Việt Nam, Đại học Giao thông vận tải TPHCM, hợp tác nghiên cứu về cảng biển. Nhân chuyến thăm Hà Lan của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (7/2017), hai bên đã ký Bản ghi nhớ giữa Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam Vinalines và Tập đoàn STC Hà Lan về hợp tác đào tạo ngành hàng hải.
Chuyến thăm Hà Lan của Thủ tướng Phạm Minh Chính góp phần củng cố, tăng cường, làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hà Lan, trong đó thúc đẩy hợp tác phát triển các lĩnh vực mà Hà Lan có thế mạnh, Việt Nam có nhu cầu như kinh tế tuần hoàn, năng lượng tái tạo, chống biến đổi khí hậu...