Những điểm sáng về sự phục hồi du lịch; tăng trưởng ổn định của nền nông nghiệp; chuỗi các sự kiện lễ hội, hội chợ quảng bá, xúc tiến thương mại, du lịch đều khắp vùng miền, trong và ngoài nước nhằm kích cầu đầu tư, tiêu dùng; phong trào khởi nghiệp;… chưa đủ để tạo thành gam màu chủ đạo trong bức tranh toàn cảnh về kinh tế - xã hội tỉnh nhà.
Ngay từ đầu năm và sau đó là những rủi ro, bất trắc ở nhiều địa phương: tai nạn giao thông nghiêm trọng, hỏa hoạn, ngộ độc thực phẩm, chìm tàu… Kinh tế giảm sâu một cách bất ngờ.
Lần đầu tiên sau nhiều chục năm, GRDP 9 tháng giảm đến 9,76%, kéo theo là sự sụt giảm lớn nguồn thu ngân sách. Thị trường bất động sản nguội lạnh; phần lớn dự án đầu tư, cả từ vốn ngân sách và vốn xã hội bị đình trệ, chậm trễ kéo dài.
Nhiều chỉ số đo lường về cải cách hành chính, điều hành kinh tế, chuyển đổi số, quản trị công,... tiếp tục tụt bậc trên các bảng xếp hạng, hoặc vẫn ở mức thấp trong bảng xếp hạng chung.
Sự trồi sụt khó đoán định về tăng trưởng kinh tế từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện (năm 2020) và kéo dài đến nay, ngày càng đặt ra những thách thức lớn hơn đối với Quảng Nam, sau hơn 20 năm liên tục tăng trưởng nhanh và ổn định, đưa Quảng Nam trở thành điểm sáng kinh tế cả vùng.
Nguồn lực và động lực để phát triển nhanh, bền vững trong giai đoạn mới có lẽ chưa bao giờ đặt ra những “nan đề” có tính bức bách với địa phương như hiện nay, khi đã xác định mục tiêu trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030, theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII và dự thảo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 đang hoàn thiện.
“Góp thêm” gam màu xám trong bức tranh chung còn có thể kể đến một số vụ việc, đã hoặc suýt gây ra sự cố truyền thông làm phân tâm dư luận, bởi những thiếu sót, bất cẩn trong phát ngôn và quản lý xã hội, chưa dự lường đúng mức và phản ứng chính sách minh bạch, hợp lý ở một số ngành, địa phương; hay như những hệ lụy từ các dự án bất động sản của nhiều năm trước, dù rất nỗ lực nhưng vẫn chưa được tháo gỡ hoàn toàn...
2. Ngày 16/11, Ủy ban Kiểm tra Trung ương ban hành kết luận kiểm tra đối với Ban cán sự đảng UBND tỉnh Quảng Nam, sau nhiều tháng đoàn kiểm tra đến làm việc tại địa phương.
Cùng lúc, nhiều tập thể, cá nhân lãnh đạo, quản lý và nguyên cán bộ lãnh đạo, quản lý của tỉnh bị kỷ luật. Vụ việc rất buồn và chắc chắn gây ra những “sang chấn tâm lý” không tránh khỏi với không ít cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và dư luận xã hội.
Ngoài vài ba cá nhân “dính chàm” do suy thoái đạo đức lối sống, vi phạm pháp luật về phòng chống tham nhũng; theo kết luận của cơ quan kiểm tra Trung ương, những vi phạm của các tập thể, cá nhân chủ yếu do sai sót, hạn chế trong xây dựng, ban hành và thực thi các cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp; trong nhận thức và áp dụng pháp luật quản lý đầu tư phát triển kinh tế - xã hội và kiểm tra, giám sát.
Nhìn ở góc độ tích cực, đây là bài học cần thiết và hữu ích đối với cả hệ thống chính trị trong nhận thức, nghiên cứu, vận dụng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước để tiếp tục hoàn thiện các cơ chế lãnh đạo, điều hành; cũng như yêu cầu nâng cao tinh thần trách nhiệm đối với nhiệm vụ được giao của mỗi tổ chức và cá nhân cán bộ, công chức, viên chức. Nói vậy, nhưng bối cảnh hiện nay, cũng là những thách thức lớn không dễ vượt qua.
Đơn cử, trong một báo cáo dày đến 137 trang gửi Chính phủ (Báo cáo số 189/BC-UBND, ngày 18/8/2023), UBND tỉnh Quảng Nam đã rà soát, tổng hợp hơn 120 vướng mắc, bất cập, chồng chéo trong các luật, nghị định, thông tư hiện hành.
Còn Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang mới đây báo cáo với Quốc hội tại kỳ họp đang diễn ra, cho hay qua tổng hợp của 26 tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ khi làm việc với các địa phương, đã có đến 513 vướng mắc từ các văn bản quy phạm pháp luật.
Nút thắt về thể chế và thủ tục hành chính nhiều năm qua luôn là những vấn đề nóng tại rất nhiều diễn đàn; là một trong những nguyên nhân gây cản trở sự phát triển, làm “nhụt chí” không ít cán bộ, công chức khi thực thi công vụ, như nhiều chuyên gia và đại biểu Quốc hội nhận định.
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, tại diễn đàn Quốc hội, cũng than thở, rằng chỉ riêng các quy định của pháp luật về tính giá đất, đã rối đến mức, khó cơ quan nào tính được giá đúng!
3. Năm 2023 này, tròn 100 năm chí sĩ Phan Châu Trinh công bố thuyết Duy tân tại kinh thành Huế, mở ra “một cuộc cách mạng” về tư tưởng cứu nước, cứu dân giữa bối cảnh xã hội hỗn loạn lúc bấy giờ; và cho đến nay nhiều nội dung tư tưởng khai phóng của cụ Phan vẫn còn nguyên giá trị, theo nhiều nhà nghiên cứu.
Trước đó, từ thế kỷ 16-17, người Quảng Nam đã góp công lớn hiện thực hóa chính sách “mở cửa, hội nhập” của chúa Nguyễn, tạo ra mô hình thương cảng quốc tế Hội An, đưa đất Quảng trở thành trung tâm kinh tế bậc nhất của cả xứ Đàng Trong.
Thời kháng chiến chống Mỹ, Quảng Nam vẫn là vùng đất đi đầu, sáng tạo nên “chiến lũy chiến tranh du kích xuất sắc nhất khu 5” và những “vành đai diệt Mỹ”. Gần đây nhất là mô hình khu kinh tế mở,…
Mỗi giai đoạn cam go nhất của những khúc cua lịch sử, Quảng Nam đều vững vàng đối mặt và sáng tạo ra những phương cách để vượt qua, tạo bước chuyển có tính quyết định cho vận mệnh của quê hương.
Bản lĩnh vượt khó, sáng tạo, có lẽ là một trong những giá trị “thương hiệu” nổi bật trong hệ giá trị văn hóa của người Quảng được hình thành và minh định trong suốt chiều dài lịch sử.
Vì thế, giờ đây, đất và người Quảng Nam cần trụ vững, xốc lại tinh thần để vượt qua giai đoạn gian nan, vững vàng đi tới với hành trình phát triển quê hương.
So sánh bối cảnh, đặc điểm và yêu cầu trong mỗi giai đoạn là khập khiểng, nhưng truyền thống văn hóa, lịch sử, luôn là bệ đỡ tinh thần và tạo nguồn động lực cho các thế hệ kế tiếp trên hành trình tiến về phía trước.
Nhớ lại nguyên Thủ tướng, nguyên Cố vấn Phạm Văn Đồng khi về thăm Quảng Nam, đã nhắc nhở rằng, điều quan trọng nhất là phải giữ vững truyền thống đoàn kết, ý chí và quyết tâm phấn đấu hết lòng, hết sức vì sự phát triển của quê hương; mọi khó khăn thách thức chắc chắn sẽ vượt qua!