Thứ năm, 14/05/2015, 10:06:10
Chào mừng đồng chí và các bạn đã đến với cổng thông tin điện tử Đảng Bộ Khối các cơ quan tỉnh Quảng Nam !
 
  • Site
  • Web
Search

Chi tiết tin tức

Hoạt động Đảng bộ

Công tác dân vận ở các cơ quan hành chính nhà nước - nhìn từ Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh Quảng Nam

Ngày đăng: 9:21 | 09/08 Lượt xem: 37270

Nhận thức rõ vị trí, vai trò quan trọng của công tác dân vận trong cơ quan hành chính nhà nước, thời gian qua, Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh có nhiều giải pháp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện và đạt nhiều kết quả, góp phần xây dựng tổ chức đảng, hệ thống chính trị vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

 

 
Từ thực trạng....

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Dân vận khéo, thì việc gì cũng thành công” và trên cơ sở chỉ thị, nghị quyết, kết luận, quy định, hướng dẫn của Đảng, Nhà nước về công tác dân vận nói chung, công tác dân vận trong cơ quan hành chính nhà nước nói riêng; Đảng ủy Khối luôn đề cao, coi trọng đúng mức và tập trung chỉ đạo thực hiện sâu rộng, đồng bộ, hiệu quả trong toàn đảng bộ, góp phần ổn định tình hình tư tưởng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.

Hàng năm, các cơ quan, đơn vị đều quan tâm triển khai quán triệt, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) và người lao động như: Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”; Quyết định số 129/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Quy chế văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước”; Chỉ thị số 05/2008/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Nâng cao hiệu quả sử dụng thời gian làm việc của CBCCVC nhà nước”; kế hoạch thực hiện Công ước về kiểm soát thuốc lá; Chỉ thị số 22/CT-UBND của UBND tỉnh về “Tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính, nâng cao hiệu quả sử dụng thời gian làm việc trong các cơ quan, đơn vị”... Qua đó, từng bước chấn chỉnh nề nếp, tác phong, giờ giấc, thái độ làm việc của CBCCVC.

Công tác cải cách hành chính được tăng cường, tập trung chủ yếu vào việc tìm biện pháp nâng cao năng lực quản lý; đổi mới lề lối làm việc theo hướng công khai, dân chủ, gần dân và vì dân. Cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” hiện đại, việc bố trí phòng tiếp dân, niêm yết công khai thủ tục hành chính được xây dựng ở hầu hết cơ quan, đơn vị; phong trào thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tăng cường kỷ cương, kỷ luật, thực hiện nếp sống văn minh ngày càng nề nếp, đi vào chiều sâu. Nhiều cơ quan, đơn vị thường xuyên tổ chức đối thoại, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của CBCCVC, người lao động và giải quyết những vướng mắc, bức xúc nổi cộm tôn đọng. Qua đó, mức độ hài lòng và sự tín nhiệm của người dân, tổ chức, doanh nghiệp tăng lên đáng kể.

Việc thực hiện quy chế dân chủ từng bước đi vào nề nếp, dân chủ được phát huy rộng rãi trong hoạt động của cơ quan, đơn vị, đoàn thể; khơi dậy tiềm năng, trí tuệ, sức sáng tạo, trách nhiệm của CBCCVC trong công tác, góp phần xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Các cơ quan, đơn vị có nhiều đổi mới trong việc cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; đồng thời, chủ động tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều chủ trương, chính sách phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, mang lại hiệu quả thiết thực, được nhân dân đồng tình cao như: chính sách hỗ trợ người nghèo, nông dân, ngư dân vay vốn phát triển sản xuất; hỗ trợ xây dựng nông thôn mới; hỗ trợ doanh nghiệp; chính sách phát triển miền núi...

Cấp ủy cơ sở đã lãnh đạo, chỉ đạo công đoàn và đoàn thanh niên thường xuyên đưa nội dung công tác dân vận trong cơ quan hành chính nhà nước quán triệt cho đoàn viên, hội viên, nhất là việc thực hiện Quyết định số 217, 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị. Thông qua đó, lấy lực lượng này làm nòng cốt trong việc tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đến gia đình, nơi cư trú và các tầng lớp nhân dân.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác dân vận trong cơ quan hành chính nhà nước còn có mặt chưa đáp ứng yêu cầu như: việc thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác dân vận có nơi chưa thường xuyên, hiệu quả thấp; chậm đổi mới về nội dung và phương thức; một bộ phận CBCCVC chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc, có lúc coi nhẹ công tác dân vận; thủ tục hành chính tuy có cải tiến, nhưng trên thực tế một số vấn đề vẫn còn chồng chéo. Việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ có nơi chưa được quan tâm đúng mức.

Nguyên nhân chủ yếu là do một số cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị thiếu quan tâm lãnh đạo, chưa nhận thức sâu sắc về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác dân vận trong cơ quan hành chính nhà nước; một số tổ chức đoàn thể chưa thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội; một bộ phận CBCCVC chưa thực sự gương mẫu, chưa làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao.

Rút ra kinh nghiệm.....

Trước hết, cần quán triệt sâu kỹ, bám sát và cụ thể hóa kịp thời tinh thần nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân vận trong cơ quan hành chính nhà nước; gắn chăm lo, bảo vệ lợi ích của CBCCVC, người lao động với động viên thực hiện công vụ. Nội dung, phương thức vận động phải phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị; phải kiên trì, tuyên truyền, thuyết phục và lắng nghe nguyện vọng của CBCCVC, người lao động để đề ra hình thức vận động hiệu quả. Bảo đảm sự lãnh đạo chặt chẽ của cấp ủy 02 cấp, đồng thời đổi mới nhận thức, tư duy về công tác dân trong cơ quan hành chính nhà nước trong hệ thống chính trị hiện nay.

Công tác dân vận trong cơ quan hành chính nhà nước phải gắn chặt với công tác xây dựng Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; đồng thời gắn với xây dựng cơ quan, đơn vị thông qua hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị (khóa XI).

Thông qua các tổ chức đoàn thể, tập hợp quần chúng vào các hình thức hoạt động thích hợp với từng đối tượng; phát huy tinh thần đoàn kết, triển khai sâu rộng công tác dân vận trong cơ quan, đơn vị, CBCCVC và nhân dân; đồng thời, huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị để thực hiện thành công nhiệm vụ chính trị, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Đảng, Nhà nước, địa phương đề ra.


Đến nhiệm vụ và giải pháp thực hiện

Trong thời gian tới, cấp ủy 02 cấp, lãnh đạo cơ quan, đơn vị cần tiếp tục quan tâm quán triệt sâu kỹ vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác dân vận trong cơ quan hành chính nhà nước nhằm nâng cao nhận thức cho CBCCVC và người lao động. Tập trung chỉ đạo thực hiện tốt Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”; Quyết định 290-QĐ/TW của Bộ Chính trị về ban hành “Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị”; các kết luận của Ban Bí thư và Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới”.

Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức công tác dân vận trong cơ quan hành chính nhà nước theo hướng chủ động, tích cực; kịp thời cụ thể hóa, triển khai thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước bằng các chương trình, giải pháp cụ thể. Rà soát, bổ sung và thực hiện hiệu quả quy chế dân chủ ở cơ sở; tăng cường đối thoại trực tiếp và tạo điều kiện để các đoàn thể, CBCCVC tham gia xây dựng chương trình, kế hoạch, dự án, quy định từ khâu dự thảo nhằm phát huy trí tuệ tập thể, bảo đảm phù hợp thực tiễn và lợi ích, nguyện vọng chính đáng của CBCCVC và người lao động.

Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác tiếp dân, công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, không đùn đẩy, né tránh các yêu cầu chính đáng cần giải quyết. Những ý kiến đóng góp của người dân thông qua tiếp dân, tiếp xúc cử tri phải được cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, xử lý và trả lời cho dân rõ. Những phản ánh, kiến nghị của các đoàn thể phải được cơ quan, đơn vị ghi nhận, giải đáp kịp thời.

Đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các nội dung cải cách hành chính, trước hết là thủ tục hành chính ở các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến người dân, tổ chức, doanh nghiệp; nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC và hiệu lực quản lý, điều hành của bộ máy cơ quan nhà nước với tinh thần vì nhân dân mà phục vụ; lấy sự hài lòng, lợi ích của tổ chức, cá nhân làm thước đo hiệu quả và trọng tâm phục vụ.

Coi trọng công tác kiểm tra, tổng kết, rút kinh nghiệm, xây dựng và nhân rộng mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trong cơ quan, đơn vị. Định kỳ hàng năm, cấp ủy, cơ quan, đơn vị tiến hành kiểm tra, đánh giá hoạt động công tác dân vận; thường xuyên giám sát các các nội dung và hình thức triển khai, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những hạn chế, bất cập. Đưa phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong các cơ quan nhà nước đi vào chiều sâu, thiết thực; chú trọng việc lựa chọn lĩnh vực cụ thể, trọng tâm để phát động, gắn với đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước và việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Thực hiện tốt công tác dân vận là giải pháp hữu hiệu để xây dựng tổ chức đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị và mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXI đề ra.

Tác giả: 8/2016 Nguyễn Trọng Lĩnh - Phó ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối

[Trở về]

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

    

Liên kết web

Lượt truy cập

00004739058

Hôm nay: 704
Hôm qua: 3403
Tháng này: 43994
Tuần này: 4107
Năm này: 869378