|
Đ/c Phạm Sáu - Phó Bi thư Thường trực Đảng ủy Khối tặng quà tết cho bà con xã Sông Trà (Hiệp Đức)
|
Ở nước ta, từ xa xưa, ông cha ta đã để lại nhiều bài học giáo dục tinh thần tương thân tương ái, nhân đạo hướng thiện. Trong kho tàng văn học dân gian, qua tục ngữ, ca dao, cổ tích... ý nghĩa của lòng nhân đạo, tương thân tương ái được biểu hiện phong phú, đa dạng, dễ đi vào lòng người: "Bầu ơi thương lấy bí cùng; tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn"; "một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ"; "máu chảy ruột mềm"; "Lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều"; "một miếng khi đói, bằng một gói khi no”vv và vv..
Trong dòng chảy các hoạt động “vì con người” trong cộng đồng, ngày nay ý nghĩa của hoạt động nhân đạo, từ thiện vẫn còn nguyên giá trị và luôn được trân trọng. Tuy nhiên, trong cộng đồng hiện tại vẫn còn không ít những người, những mảnh đời khó khăn, thiếu thốn, bất hạnh... do hậu quả chiến tranh, di chứng chất độc da cam, thiên tai, bão lụt hoặc bị bạo hành, ngược đãi... đang là mối quan tâm, là sự hướng tới bằng hành động nhân đạo, từ thiện cụ thể của cả cộng đồng mà trước hết là những chính sách đặc biệt của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội.
Nhận thức đúng đắn ý nghĩa của hoạt động này, trong nhiều năm qua, Đảng ủy Khối các cơ quan Tỉnh Quảng Nam quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 03-CT/TU, ngày 24.5.2001 của Tỉnh ủy Quảng Nam về việc tăng cường công tác kết nghĩa, giúp đỡ các xã miền núi đặc biệt khó khăn; đã kết nghĩa với xã Sông Trà, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam - một xã nghèo miền núi, dân số gần 2.500 người, nhưng tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến 42%, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số.
Từ năm 2012 đến nay, cơ quan Đảng ủy Khối luôn quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ về vật chất và tinh thần, thường xuyên tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Sông Trà nhân các ngày lễ, tết; cụ thể:
- Năm 2012, vận động hỗ trợ xây dựng 02 ngôi nhà tình nghĩa, với tổng giá trị trên 75 triệu đồng cho 02 hộ đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn;
- Năm 2013, vận động đóng góp để thăm, tặng quà, khám bệnh, cấp phát thuốc cho 300 người dân trên địa bàn xã, 12 xuất quà cho các gia đình khó khăn để vui tết, đón xuân; với tổng chi phí trên 55 triệu đồng;
- Năm 2014 - 55 triệu đồng và 13 xuất quà tết;
- Năm 2015, phối hợp với Đảng ủy Khối các cơ quan thành phố Đà Nẵng hỗ trợ kinh phí xây dựng 01 nhà tình nghĩa cho 01 hộ nghèo trị giá 40 triệu đồng, tặng quà cho các hộ nghèo dịp Tết Nguyên Đán, trị giá 25 triệu đồng;
Phối hợp với Liên minh Hợp tác xã và một số đơn vị khác tổ chức các chương trình tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, áp dụng vào sản xuất; hướng dẫn nhân dân thực hiện việc lựa chọn, chuyển đổi mô hình cây trồng, con vật nuôi phù hợp để phát triển kinh tế, ổn định đời sống, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững.
- Ngoài ra, cơ quan Đảng ủy Khối còn phối hợp với Đảng ủy Dân Chính Đảng thành phố Hồ Chí Minh, cùng các nhà hảo tâm xây dựng 02 nhà tình thương, 01 nhà tình nghĩa tại xã Bình Đào, huyện Thăng Bình và huyện Nông Sơn, với số tiền trị giá 110 triệu đồng. Công đoàn, Đoàn thanh niên cơ quan còn tổ chức nhiều chuyến công tác xã hội tình nguyện tại các địa phương khác trong tỉnh như: Tổ chức thăm, tặng quà cho các gia đình chính sách, hộ nghèo tại các xã Bình Dương, Bình Đào, Bình Lãnh (huyện Thăng Bình) dịp kỷ niệm 65 năm ngày Thương binh, liệt sỹ và “tết vì người nghèo 2013” với tổng số tiền 30 triệu đồng; vận động, đóng góp nhiều phần quà có giá trị, kịp thời thăm hỏi các Trung tâm nuôi dưỡng trẻ sơ sinh - mồ côi, Trung tâm nuôi dưỡng người tâm thần của tỉnh trong dịp Tết Nguyên đán 2013 nhằm chia sẻ, động viên các đối tượng vươn lên trong cuộc sống.
Kết quả vừa nêu tuy không lớn nhưng đã thể hiện rõ nét sự nỗ lực vượt bậc của một cơ quan làm công tác Đảng như Đảng ủy Khối, với chỉ 16 biên chế.
Có được kết quả trên đây, trước hết phải kể đến vai trò của cấp ủy, sự vào cuộc đồng bộ của lãnh đạo cơ quan, các đoàn thể tại đơn vị: Cấp ủy có chủ trương- chính quyền đồng thuận, tạo điều kiện - Công đoàn, Đoàn Thanh niên xung kích. Sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các tổ chức hữu quan, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh; tinh thần đoàn kết nhất trí, sự nỗ lực của tập thể cán bộ, đảng viên, đoàn viên cơ quan Đảng ủy Khối.
Để hoạt động nhân đạo, từ thiện nói chung; hỗ trợ, giúp đỡ xã kết nghĩa nói riêng tại Đảng ủy Khối các cơ quan trong thời gian tới đạt hiệu quả thiết thực cần tập trung làm tốt một số nhiệm vụ và giải pháp sau:
Một là, đưa công tác tuyên truyền đi vào chiều sâu, tạo nhận thức đúng đắn không chỉ cho cán bộ, đảng viên cơ quan Đảng ủy Khối mà còn qua đó tạo sự lan tỏa trong phạm vi rộng hơn thế nữa. Hoan nghênh, hưởng ứng tinh thần, hành động nhân đạo từ thiện cao cả, đầy lòng nhân ái vì con người, đồng thời phê phán, lên án những hành vi lợi dụng ý nghĩa hoạt động nhân đạo, từ thiện để trục lợi dưới các hình thức.
Hai là, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động với phương châm hướng về cơ sở, gắn bó với nhân dân, nhất là nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Bởi qua thực tế cho thấy, hoạt động nhân đạo, từ thiện trước mắt có thể chữa phần ngọn, ví dụ: quyên tiền để xây dựng một ngôi nhà tình nghĩa, một mái ấm tình thương, cho một ca mổ tim, đem lại ánh sáng cho người khiếm thị, bảo trợ cho sinh viên nghèo học đại học, tặng quà vào các dịp lễ tết … Những hoạt động này phần nào chia sẻ, động viên; có trường hợp góp phần thay đổi cuộc đời, cứu mạng sống cho một con người; nhưng quan trọng hơn, các hoạt động nhân đạo, từ thiện rất cần tập trung thay đổi phần gốc, đó là thay đổi các tương quan xã hội tạo ra đói nghèo; các tương quan đó là: kiến thức, hiểu biết về cách thức làm ăn, sự khát khao, kiên trì, tự tin, quyết đoán để thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng và sự ảnh hưởng của các tổ chức, cá nhân đến đối tượng - còn tiền, quà chỉ là một trong các nguồn “tài nguyên”, thậm chí không phải là nguồn quan trọng nhất.
Ba là, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan, kể cả các tổ chức, các nhà hảo tâm ngoài tỉnh; một mặt, tích cực tham mưu cho Đảng, Nhà nước chỉ đạo giải quyết tốt những vấn đề mới đặt ra cho các hoạt động nhân đạo, từ thiện ở địa phương; tích cực vận động cán bộ, đảng viên, hội viên, các tổ chức, cá nhân trong cộng đồng trợ giúp kịp thời, thiết thực cho các đối tượng, tạo nên xã hội hóa trong công tác nhân đạo, từ thiện.
Nhận thức đúng và làm tốt công tác nhân đạo, từ thiện; hỗ trợ, giúp đỡ xã kết nghĩa là góp phần thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.