1. Quá trình hình thành và phát triển
Cuối năm 1962, nhằm tạo thuận lợi cho phong trào cách mạng, Khu ủy V quyết định chia tách tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng thành tỉnh Quảng Nam và đặc khu Quảng Đà. Trên cơ sở đó, đầu năm 1963, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam quyết định thành lập Đảng bộ Sơ cấp Dân Chính Đảng Quảng Nam do đồng chí Vũ Trọng Hoàng (Bốn Hương) - Phó Bí thư Tỉnh ủy kiêm Bí thư Đảng ủy Dân Chính Đảng. Khi mới thành lập, số lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên không nhiều, lại hoạt động bí mật nên cơ sở đảng đều mang mã số, thực hiện nhiệm vụ kiêm nhiệm trong điều kiện chiến tranh. Đảng bộ cơ sở mang mã số 134 có số lượng đảng viên đông nhất là 121 đồng chí, chi bộ cơ sở mang mã số 141 có số lượng đảng viên ít nhất là 7 đồng chí.
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng của mỗi thời kỳ, Đảng bộ Sơ cấp Dân Chính Đảng cũng đã nhiều lần tách, nhập. Cuối năm 1965, Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định thành lập 3 đảng bộ sơ cấp là: Đảng bộ Chính quyền, Đảng bộ Nguyễn Định và Đảng bộ Phan Tốn. Đến 20/4/1973, Tỉnh ủy lại quyết định hợp nhất 3 đảng bộ sơ cấp nêu trên thành Đảng bộ Dân Chính Đảng, do đồng chí Phan Ngọc Ánh - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy kiêm Bí thư Đảng ủy; các bộ máy tham mưu, giúp việc của cấp ủy cũng được hình thành. Từ đây, hoạt động của Đảng bộ dần đi vào ổn định, nền nếp.
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tháng 10/1975, tỉnh Quảng Nam và đặc khu Quảng Đà được sáp nhập thành tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Theo đó, ngày 28/10/1975, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng ra Quyết định số 466/QĐ-TV thành lập Đảng bộ Dân Chính Đảng tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, do đồng chí Trương Thanh Hà làm Bí thư (từ 1975 - 1981).
Ngày 15/5/1981, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Quyết nghị số 125/QN-TV chuyển giao một số tổ chức cơ sở đảng thuộc Đảng bộ Dân Chính Đảng tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng đóng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng được chuyển về trực thuộc Đảng bộ thành phố Đà Nẵng, tổ chức cơ sở đảng đóng trên địa bàn huyện Hòa Vang chuyển về trực thuộc Đảng bộ huyện Hòa Vang. Riêng tổ chức cơ sở đảng của các cơ quan công tác đảng, cơ quan Văn phòng UBND tỉnh và trường cao đẳng sư phạm được thành lập đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy.
Sau khi sắp xếp lại tổ chức, ngày 25/2/1983, Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định chia tách Đảng bộ Dân Chính Đảng và thành lập các Đảng bộ Khối: Công nghiệp, Phân phối - Lưu thông, Nông - Lâm nghiệp, Khoa giáo, Nội chính và Tổng hợp, Công tác tư tưởng, Dân và Đảng. Ngày 18/10/1986, Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định sáp nhập lại thành 4 Đảng bộ Khối gồm: Khối 1 (Dân - Đảng), Khối 2 (Hành chính - Kinh tế), Khối 3 (Nội chính - Văn xã), Khối 4 (Kinh tế - Quốc doanh). Ngày 16/7/1987, Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định sáp nhập Đảng bộ các Khối 1, 2 và 3 để thành lập lại Đảng bộ Dân Chính Đảng Quảng Nam - Đà Nẵng do đồng chí Nguyễn Hoàng Long làm Bí thư; sau đó đồng chí Đoàn Hiến làm quyền Bí thư và các đồng chí Phan Như Lâm, Hồ Thanh Hải làm Bí thư những nhiệm kỳ kế tiếp cho đến cuối năm 1996.
Hình ảnh tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh Quảng Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2020-2025
2. Đảng bộ Dân Chính Đảng tỉnh Quảng Nam được tái lập
Ngày 1/1/1997, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng được chia thành 2 đơn vị hành chính gồm tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương. Theo đó, ngày 3/1/1997, Ban Thường vụ Tỉnh ủy lâm thời Quảng Nam ra Quyết định số 12/QĐ-/SN-TU về việc thành lập Đảng bộ Dân Chính Đảng tỉnh Quảng Nam; chỉ định ban chấp hành lâm thời gồm 11 đồng chí, ban thường vụ gồm 3 đồng chí và chỉ định đồng chí Hồ Thanh Hải - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ lâm thời tỉnh Quảng Nam làm Bí thư. Khi mới được thành lập, Đảng bộ Dân Chính Đảng có 50 tổ chức cơ đảng trực thuộc, với hơn 800 đảng viên.
Từ ngày tái lập đến nay, Đảng bộ Khối đã tiến hành 6 kỳ đại hội:
- Đại hội lần thứ IV (8/1997), bầu ra 25 ủy viên ban chấp hành, 5 ủy viên ban thường vụ. Đồng chí Hồ Thanh Hải được bầu giữ chức Bí thư, đồng chí Lê Công Kinh được bầu giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy.
- Đại hội lần thứ V (11/2000), bầu 21 ủy viên ban chấp hành, 7 ủy viên ban thường vụ. Đông chí Hồ Thanh Hải tiếp tục được bầu giữ chức Bí thư, đồng chí Lê Công Kinh được bầu giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy. Đảng bộ có 81 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc (25 đảng bộ, 56 chi bộ) với 1.846 đảng viên.
Năm 2001, đồng chí Hồ Thanh Hải được điều động về Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Tháng 5 và tháng 10/2002, Ban Thường vụ Tỉnh ủy lần lượt ra quyết định chuẩn y các đồng chí Lê Công Kinh giữ chức Bí thư, Bùi Phan Toản giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy nhiệm kỳ 2000 - 2005.
Đến tháng 4/2005, Đảng bộ có 93 tổ chức cơ sở đảng, với 2.850 đảng viên; trong đó, có 57 tổ chức cơ sở đảng khối cơ quan hành chính, 30 tổ chức cơ sở đảng khối doanh nghiệp và 6 tổ chức cơ sở đảng khối sự nghiệp.
Theo chủ trương của Trung ương về mô hình tổ chức, ngày 18/4/2005, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra quyết định thành lập Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Quảng Nam và tiến hành chuyển giao 29 tổ chức cơ sở đảng và 1 chi bộ dưới cơ sở, với 1.095 đảng viên từ Đảng bộ Dân Chính Đảng về Đảng bộ Khối Doanh nghiệp tỉnh.
- Đại hội lần thứ VI (10/2005), bầu 21 ủy viên ban chấp hành, 7 ủy viên ban thường vụ. Đồng chí Lê Công Kinh tiếp tục được bầu giữ chức Bí thư, đồng chí Bùi Phan Toản tiếp tục được bầu giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy. Đảng bộ có 64 tổ chức cơ sở đảng, với 1.830 đảng viên.
- Đại hội lần thứ VII (8/2010), bầu 29 ủy viên ban chấp hành, 9 ủy viên ban thường vụ. Đồng chí Bùi Phan Toản được bầu giữ chức Bí thư; các đồng chí Lê Thái Bình, Trần Xuân Vinh được bầu giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy.
Tháng 4/2011, Đảng bộ Dân Chính Đảng được đổi tên thành Đảng bộ Khối các cơ quan (Quyết định số 415-QĐ/TU, ngày 26/4/2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy) và được duy trì danh xưng cho đến hiện tại.
- Đại hội lần thứ VIII (7/2015), bầu 27 ủy viên ban chấp hành, 9 ủy viên ban thường vụ. Đồng chí Võ Hồng được bầu giữ chức Bí thư; các đồng chí Phạm Sáu, Nguyễn Phước Sơn được bầu giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy.
Đến tháng 12/2015, đồng chí Võ Hồng chuyển công tác; đồng chí Thái Bình, Tỉnh ủy viên, Bí thư Tỉnh đoàn được Ban Thường vụ Tỉnh ủy điều động, chỉ định giữ chức Bí thư Đảng ủy. Tháng 4/2017, đồng chí Thái Bình chuyển công tác; đồng chí Đinh Nguyên Vũ, Bí thư Tỉnh đoàn được Ban Thường vụ Tỉnh ủy điều động, chỉ định giữ chức Bí thư Đảng ủy. Tháng 12/2019, đồng chí Đinh Nguyên Vũ chuyển công tác; đồng chí Bùi Võ Quảng - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Phú Ninh được Ban Thường vụ Tỉnh ủy điều động, chỉ định giữ chức Bí thư Đảng ủy.
- Đại hội lần thứ IX (8/2020), bầu 23 ủy viên ban chấp hành (khuyết 4), 6 ủy viên ban thường vụ (khuyết 3). Đồng chí Bùi Võ Quảng được bầu giữ chức Bí thư; các đồng chí Nguyễn Phước Sơn (đến tháng 1/2021) và đồng chí Nguyễn Thị Hà được bầu giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy.
Tháng 8/2021, đồng chí Nguyễn Xuân Đức, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh được Ban Thường vụ Tỉnh ủy điều động, chỉ định giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy.
Tháng 11/2021, đồng chí Thái Bình, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Nông Sơn được Ban Thường vụ Tỉnh ủy điều động, chỉ định giữ chức Bí thư Đảng ủy.
Đến tháng 12/2022, Đảng bộ Khối có 64 tổ chức cơ sở đảng (37 đảng bộ và 27 chi bộ), với 4.349 đảng viên, sinh hoạt ở 2 loại hình chủ yếu là cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp.
3. Thành tựu và truyền thống
3.1. Giai đoạn 1963 - 1975
Nhận thức đúng đắn vị trí, vai trò, chức năng và nhiệm vụ được giao, ngay từ những ngày đầu thành lập và trong suốt 13 năm hình thành và phát triển (1963 - 1975), Đảng ủy luôn bám sát đường lối, nghị quyết của Trung ương, Trung ương Cục miền Nam, Khu ủy Khu V và Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng; đề ra chủ trương, biện pháp phù hợp với đặc điểm, tình hình, xây dựng Đảng bộ ngày càng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Lãnh đạo cán bộ, đảng viên nêu cao tinh thần cách mạng tiến công, vượt qua khó khăn, gian khổ, hy sinh, tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy triển khai có hiệu quả phong trào cách mạng tại các địa phương; làm tốt công tác thông tin, liên lạc phục vụ kịp thời các chiến dịch; bảo vệ tốt cơ quan đầu não và các đồng chí lãnh đạo của tỉnh; tham mưu hiệu quả việc xây dựng lực lượng, xây dựng phong trào, tổ chức đấu tranh chính trị, diệt ác, phá kìm, huấn luyện chuyên môn, nghiệp vụ; tuyên truyền, giáo dục chủ trương, đường lối của Đảng, truyền thống văn hóa… nhằm nâng cao trình độ cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân vùng hậu cứ; làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân, thương bệnh binh; huy động sức người, sức của cho kháng chiến, tiếp nhận sự chi viện của miền Bắc... góp phần cùng với quân và dân cả nước lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ, giải phóng quê hương, thống nhất đất nước, cùng cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
3.2. Giai đoạn 1975 - 1997
Nếu như trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng ủy Dân Chính Đảng được biết đến bởi những trọng trách được giao hết sức nặng nề, vẻ vang, những tấm gương hy sinh anh dũng, những chiến công hiển hách trên chiến trường, thì trong hòa bình, với nhiệm vụ mới, Đảng ủy Dân Chính Đảng tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng tập trung lãnh đạo cán bộ, đảng viên phát huy tinh thần trách nhiệm, vai trò tiền phong, gương mẫu, đóng góp tài năng và công sức vào sự nghiệp tái thiết đất nước, hàn gắn vết thương chiến tranh, cải tạo và xây dựng CNXH, thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, chiến đấu, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới; không ngừng nâng cao trình độ mọi mặt, tích cực làm tốt công tác tham mưu, đề xuất, góp phần xây dựng, hoàn thiện chủ trương, đường lối, chính sách, thực hiện công cuộc đổi mới, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
3.3. Giai đoạn từ năm 1997 - đến nay
Từ khi tái lập tỉnh đến nay, cán bộ, đảng viên của Đảng bộ Khối tiếp tục kiên định mục tiêu, lý tưởng của Đảng, chủ động, sáng tạo, đoàn kết thống nhất, phát huy thế mạnh, tiềm năng, từng bước vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực đời sống xã hội và công tác xây dựng Đảng.
(1) Về lãnh đạo xây dựng chi bộ, đảng bộ trong sạch vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên
Cấp ủy 2 cấp thường xuyên theo dõi, năm bắt, định hướng, giải quyết nảy sinh về tư tưởng; thông tin thời sự, vấn đề dư luận quan tâm; nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng trước âm mưu “diễn biến hòa bình”, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch. Quan tâm, đầu tư cho hoạt động mở lớp học tập, quán triệt nghị quyết, chỉ thị của Đảng; triển khai chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; bồi dưỡng kết nạp Đảng, lý luận chính trị cho đảng viên mới và nghiệp vụ công tác đảng cho cán bộ, đảng viên và quần chúng.
Công tác tổ chức xây dựng Đảng được thực hiện đồng bộ về nội dung, chặt chẽ về nguyên tắc. Chú trọng củng cố, kiện toàn cấp ủy 2 cấp đủ số lượng, đảm bảo chất lượng. Chăm lo công tác cán bộ của Đảng, chính quyền theo đúng phương hướng, phương châm, quy trình, quy định. Coi trọng công tác bảo vệ chính trị nội bộ. Quan tâm công tác phát triển đảng viên và quản lý đảng viên. Không ngừng nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, chi bộ. Thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc công tác nhận xét, đánh giá, phân loại tổ chức đảng, đảng viên hằng năm.
Tăng cường, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát; xác định rõ nội dung, đối tượng, thẩm quyền; gắn kiểm tra, giám sát tổ chức đảng với kiểm tra, giám sát vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; coi trọng kiểm tra tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm. Xây dựng lực lượng làm công tác kiểm tra, giám sát ngày càng chuyên nghiệp. Đơn thư khiếu nại, tố cáo được tiếp nhận và chỉ đạo giải quyết kịp thời, đúng quy định.
(2) Về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị; quốc phòng - an ninh cơ sở
Những năm đầu tái lập tỉnh, dẫu nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với tư duy sáng tạo, truyền thống đoàn kết thống nhất và nỗ lực không mệt mỏi, Đảng bộ Khối đã chủ động tham mưu, lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị ở cơ quan, đơn vị. Qua đó, góp phần cùng với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh nhà vươn lên, tạo những chuyển biến đột phá và gặt hái được nhiều thành tựu to lớn, đưa Quảng Nam vươn lên thành tỉnh khá trong khu vực.
Phát huy vai trò hạt nhân chính trị ở cơ sở, cấp ủy trong cơ quan, đơn vị lãnh đạo đảng viên, cán bộ, quần chúng thực hiện có hiệu quả các mặt công tác xây dựng Đảng; chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng giai đoạn, với những thành tựu ấn tượng.
Tổ chức đảng ở cơ quan khối đảng tham mưu Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy làm tốt việc tổ chức quán triệt, học tập, tuyên truyền, thực hiện và sơ kết, tổng kết chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng về tư tưởng - văn hóa; xây dựng tổ chức đảng và công tác cán bộ; kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng; dân vận; nội chính và phòng chống tiêu cực, tham nhũng; chương trình, kế hoạch công tác hằng năm và các nhiệm kỳ. Tổ chức đảng khối cơ quan Mặt trận, đoàn thể chính trị - xã hội lãnh đạo thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo điều lệ quy định; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng về cơ sở; phát huy vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và Nhân dân. Tổ chức đảng khối các cơ quan hành chính lãnh đạo thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh ở từng ngành, lĩnh vực... Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) không ngừng tăng lên từng năm; tốc độ tăng trưởng bình quân được duy trì từ 7% đến 9%, riêng năm 2022 là 11,2%, thu nhập bình quân đầu người được nâng lên. Tổ chức đảng khối nội chính lãnh đạo thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ về ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hoạt động tư pháp, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án. Tổ chức đảng khối cơ quan truyền thông lãnh đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền, thông tin, định hướng dư luận, tạo sự thống nhất, đồng thuận trong xã hội. Tổ chức đảng khối đơn vị sự nghiệp lãnh đạo làm tốt công tác giáo dục, đào tạo, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu.
(3) Về lãnh đạo các đoàn thể quần chúng
Cấp ủy 2 cấp lãnh đạo đoàn thể hoạt động theo đúng điều lệ quy định; không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào; tăng cường khả năng quy tụ, tập hợp. Thường xuyên chăm lo xây dựng đoàn thể vững mạnh; tạo điều kiện thuận lợi để đoàn thể phát huy vai trò xung kích, sáng tạo, tình nguyện; tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước; tham gia xây dựng tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh, đạt chuẩn văn hóa; đẩy mạnh thực hiện Quyết định số 217, 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị khóa XI phù hợp với chức năng, nhiệm vụ.
***
Sự phấn đấu và nỗ lực không ngừng của tập thể cán bộ, đảng viên cơ quan Đảng ủy Khối và cán bộ, đảng viên Đảng bộ Khối đã được ghi nhận bằng các danh hiệu thi đua. Năm 2003 và 2011 được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; năm 2006 được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba, năm 2012 tặng Huân chương Lao động hạng Nhì và nhiều Bằng khen của UBND tỉnh. Đây là những phần thưởng cao quý, niềm động viên, khích lệ to lớn của Đảng bộ Khối.
Trải qua 60 năm, một chặng đường đủ dài để soi rọi, kiểm nghiệm, khẳng định những giá trị đích thực. Có thể nói, mỗi kết quả, mỗi chiến công, mỗi thành tựu trong quá trình xây dựng, phát triển và cả những khó khăn, thách thức, hạn chế, khuyết điểm cần phải vượt qua, cần phải khắc phục gắn liền với sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sự nỗ lực và tinh thần trách nhiệm cao của cấp ủy 2 cấp, vai trò tiền phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên toàn Đảng bộ qua các thời kỳ.
Phát huy những thành tựu đạt được trong 60 năm qua, với hành trang tinh thần là truyền thống cách mạng anh dũng, kiên trung, tiền phong, gương mẫu, chủ động, sáng tạo, đoàn kết thống nhất... cán bộ, đảng viên Đảng bộ Khối các cơ quan tiếp tục giữ vững, phát huy những thành tựu đạt được, quyết tâm xây dựng Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh trong sạch, vững mạnh toàn diện góp phần cùng Đảng bộ và Nhân dân tỉnh nhà xây dựng Quảng Nam ngày càng phát triển nhanh và bền vững.
BAN TUYÊN GIÁO ĐẢNG ỦY KHỐI