|
PGS. TS Nguyễn Thị Phương Hoa, Vụ trưởng, Trưởng bộ phận Giúp việc Chỉ thị 03 – Ban Tuyên giáo Trung ương
|
PV: Xin đồng chí có thể cho biết những nội dung cơ bản của Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII (Chỉ thị 05) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh?
PGS. TS Nguyễn Thị Phương Hoa: Trước hết, mở đầu của Chỉ thị 05, Bộ Chính trị khóa XII đã đánh giá lại một cách khái quát về kết quả, hạn chế của việc thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị khoá XI về “Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” (Chỉ thị 03) trong 5 năm qua. Trong đó, khẳng định: Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị khoá XI đã đạt được kết quả bước đầu, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng và Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Nói ngắn gọn như vậy, cũng có nghĩa là khẳng định những đóng góp đáng khích lệ của Chỉ thị số 03 vào sự phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống cho nhân dân, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Theo kết quả điều tra dư luận xã hội do Ban Tuyên giáo Trung ương thực hiện, việc thực hiện Chỉ thị 03 liên tục được đánh giá là một trongba hoạt động được quan tâm và đánh giá cao: năm 2012, kết quả thực hiện Chỉ thị 03 xếp thứ 3 với 60% người được hỏi đánh giá cao; năm 2013 không tổ chức đánh giá, năm 2014, xếp thứ 2 với 63% người được hỏi đánh giá cao; năm 2015, xếp thứ 3 với 53% người được hỏi đánh giá cao.
Bên cạnh kết quả đạt được, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh còn có những hạn chế, chưa trở thành việc làm thường xuyên, chưa thành ý thức tự giác của không ít tổ chức đảng, cơ quan, địa phương, đơn vị và một bộ phận cán bộ, đảng viên.
Hai là, trong Chỉ thị 05, Bộ Chính trị nêu mục đích của việc tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân là nhằm: tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong Đảng, hệ thống chính trị và nhân dân, đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thành công việc tự giác, thường xuyên của cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội các cấp, của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, trước hết là của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên.
Bộ Chính trị cũng đưa ra 2 yêu cầu của việc thực hiện Chỉ thị 05, nhằm:
Thứ nhất, tiếp tục làm cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhận thức ngày càng sâu sắc hơn những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội, xây dựng văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Thứ hai, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một nội dung quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu.
Ba là, trong Chỉ thị 05, Bộ Chính trị xác định nội hàm của việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong thời gian tới. Đó là,
(1)Hệ thống quan điểm, tư tưởng Hồ Chí Minh về: giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội và con người; về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; về sức mạnh của nhân dân, về khối đại đoàn kết toàn dân tộc; về quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân; về quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân; về xây dựng, phát triển kinh tế và văn hoá, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; về đạo đức cách mạng; về chăm lo, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau; về xây dựng Đảng,...
(2) Các quan điểm và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về: tuyệt đối trung thành, kiên định lý tưởng cách mạng, đặt lợi ích của Đảng, của đất nước, dân tộc lên trên tất cả; hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phụng sự nhân dân, tận trung với nước, tận hiếu với dân; hết lòng yêu thương đồng bào, đồng chí, yêu thương con người; cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư, thật sự là công bộc của nhân dân, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội,...
(3) Phong cách Hồ Chí Minh, phản ánh những giá trị cốt lõi trong tư tưởng, đạo đức của Người và được thể hiện vô cùng sinh động, tự nhiên, độc đáo, có sức thu hút, cảm hoá kỳ diệu trong hoạt động, ứng xử hằng ngày: phong cách tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo, luôn gắn chặt lý luận với thực tiễn; phong cách làm việc dân chủ, khoa học, kỹ lưỡng, cụ thể, tới nơi, tới chốn; phong cách ứng xử văn hoá, tinh tế, đầy tính nhân văn, thấm đậm tinh thần yêu dân, trọng dân, vì dân; phong cách nói đi đôi với làm, đi vào lòng người; nói và viết ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm; phong cách sống thanh cao, trong sạch, giản dị; phong cách quần chúng, dân chủ, tự mình nêu gương,...
Đồng thời, Chỉ thị cũng yêu cầu tổ chức học tập, quán triệt và tuyên truyền các nội dung chủ yếu về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân một cách sâu rộng, thường xuyên, liên tục và có hệ thống bằng nhiều hình thức phong phú, sinh động.
Bốn là, về phương pháp thực hiện, Chỉ thị nêu rõ, cần đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, nghị quyết của cấp uỷ và nội dung sinh hoạt thường xuyên của chi bộ, gắn với các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và giải quyết các vấn đề bức xúc, nổi cộm ở từng địa phương, cơ quan, đơn vị; gắn với việc xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam, xây dựng hệ giá trị văn hoá và hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.
Lấy kết quả học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một trong những tiêu chuẩn đánh giá, bình xét, phân loại đảng viên, tổ chức đảng hằng năm.
Năm là, về những phương châm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chỉ thị được Bộ Chính trị xác định: “trên trước, dưới sau”; “trong trước, ngoài sau”; “học đi đôi với làm theo”, chú trọng việc làm theo bằng những hành động và việc làm cụ thể.
Để thực hiện những phương châm nêu trên, Chỉ thị yêu cầu: xây dựng, tổng kết và nhân rộng những điển hình tiên tiến về làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh, kết hợp giữa “xây” với “chống”. Đề cao trách nhiệm nêu gương tự giác học trước, làm theo trước để nêu gương của người đứng đầu và cán bộ chủ chốt các cấp, của cán bộ, đảng viên trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với đánh giá, nhận xét cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức hằng năm và cả nhiệm kỳ. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ ở từng địa phương, cơ quan, đơn vị với phương châm “sát chức năng, nhiệm vụ, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện và đánh giá việc thực hiện”. Hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến đạo đức công vụ.
Sáu là, trong Chỉ thị, Bộ Chính trị dành riêng một nội dung để yêu cầu về công táo giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong hệ thống giáo dục quốc dân và các học viện, trường chính trị, trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ các cấp: Tiếp tục chỉ đạo biên soạn chương trình, giáo trình về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để giảng dạy trong hệ thống giáo dục quốc dân và các học viện, trường chính trị, trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ các cấp, bảo đảm phù hợp với từng cấp học, bậc học và với yêu cầu giáo dục, đào tạo.
- Đối với học sinh phổ thông, dạy nghề, trung học chuyên nghiệp, học tập về đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với giáo dục công dân, đạo đức nghề nghiệp.
- Đối với học sinh đại học, cao đẳng, có các bài giảng, chuyên đề về tư tưởng Hồ Chí Minh.
- Đối với học sinh đại học chuyên ngành lý luận chính trị, học viên trường chính trị, đoàn thể và lực lượng vũ trang cần xây dựng hệ thống các bài giảng, chuyên đề học tập tư tưởng Hồ Chí Minh.
Cuối cùng, về công tác tổ chức thực hiện, Bộ Chính trị khóa XII xác định: việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh do cấp uỷ các cấp, trực tiếp là ban thường vụ cấp uỷ, đồng chí bí thư cấp uỷ chỉ đạo. Ban Bí thư Trung ương Đảng, đồng chí Tổng Bí thư chỉ đạo việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong toàn Đảng và xã hội.
Căn cứ Chỉ thị của Bộ Chính trị, yêu cầu các tỉnh uỷ, thành uỷ, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng uỷ trực thuộc Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức và hướng dẫn việc thường xuyên học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ở địa phương, ngành, tổ chức, cơ quan, đơn vị mình.
Ban Tuyên giáo Trung ương tiếp tục được giao là cơ quan giúp việc Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng chỉ đạo tổ chức thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị; ban tuyên giáo cấp uỷ và cơ quan tuyên giáo các ngành, đoàn thể là cơ quan giúp việc cấp uỷ và lãnh đạo các ngành, đoàn thể cùng cấp chỉ đạo tổ chức thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị.
Ban Tuyên giáo Trung ương được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan nghiên cứu làm sâu sắc thêm những nội dung cơ bản của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đồng thời, xây dựng chương trình, hướng dẫn nội dung học tập, sinh hoạt định kỳ, sinh hoạt chuyên đề của các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp; định hướng nội dung, chương trình giảng dạy về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong hệ thống giáo dục quốc dân; xây dựng kế hoạch sơ kết, tổng kết hằng năm và toàn khoá trình Ban Bí thư ban hành; chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng, đội ngũ báo cáo viên tuyên truyền về các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, những cách làm sáng tạo trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đồng thời uốn nắn những biểu hiện lệch lạc, những cách làm hình thức, kém hiệu quả.
PV: Theo đồng chí, Chỉ thị 05 có những điểm mới như thế nào so với Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị khóa XI về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh?
PGS. TS Nguyễn Thị Phương Hoa: So với Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị khóa XI, Chỉ thị 05 có một số điểm mới như sau:
Thứ nhất, trong Chỉ thị 05, Bộ Chính trị xác định: đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một nội dung quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Suốt nhiệm kỳ khóa XI, việc thực hiện Chỉ thị 03 được coi là giải pháp hàng đầu trong nhóm giải pháp về công tác chính trị tư tưởng để thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Việc xác định “học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một nội dung quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng” đã nhấn mạnh hơn nữa về tầm quan trọng, vị trí, vai trò của việc học Bác đối với công tác xây dựng Đảng một cách toàn diện, cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, chứ không chỉ giới hạn trong nhóm giải pháp về chính trị tư tưởng.
Thứ hai, trong Chỉ thị 05, Bộ Chính trị yêu cầu phải làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách của Hồ Chí Minh thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội, xây dựng văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Có nghĩa là, phải làm cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhận thức ngày càng sâu sắc hơn những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đồng thời, phải tiếp tục đầu tư nghiên cứu, phát triển tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Thứ ba, trong Chỉ thị 05, Bộ Chính trị nhấn rất mạnh vai trò của “người đứng đầu”. Ngay khi xác định mục đích, yêu cầu, Chỉ thị đã nêu rõ: phải “xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ”. Trong số những phương châm thực hiện Chỉ thị, Bộ Chính trị nhấn mạnh: “trên trước, dưới sau”; “trong trước, ngoài sau”, trong đó, rất quan trọng là phải đề cao trách nhiệm nêu gương tự giác học trước, làm theo trước để nêu gương của người đứng đầu và cán bộ chủ chốt các cấp, của cán bộ, đảng viên trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trong công tác tổ chức thực hiện Chỉ thị, một lần nữa, Bộ Chính trị giao nhiệm vụ cho cấp uỷ các cấp, trực tiếp là ban thường vụ cấp uỷ, đồng chí bí thư cấp uỷ chỉ đạo. Ban Bí thư Trung ương Đảng, đồng chí Tổng Bí thư chỉ đạo việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong toàn Đảng và xã hội.
Thứ tư, trong Chỉ thị 05, Bộ Chính trị yêu cầu gắn việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với thực hiện Nghị quyết Trung ương số 33-NQ/TW về “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Trong đó, nhấn mạnh: gắn việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với việc xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam, xây dựng hệ giá trị văn hoá và hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.
Thứ năm, Bộ Chính trị lần này đặc biệt yêu cầu gắn việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với thực hiện Nghị quyết Trung ương số 29-NQ/TW về “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”. Bộ Chính trị không chỉ dành riêng một nội dung để yêu cầu về công táo giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong hệ thống giáo dục quốc dân và các học viện, trường chính trị, trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ các cấp, mà còn chỉ rõ từng nội dung cần đưa vào chương trình để, bảo đảm phù hợp với từng cấp học, bậc học và với yêu cầu giáo dục, đào tạo.
Thứ sáu, Bộ Chính trị khóa XII yêu cầu rất cao về việc gắn “xây” với “chống”; tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với đánh giá, nhận xét cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức hằng năm và cả nhiệm kỳ; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu.
Thứ bảy, Bộ Chính trị rất quan tâm đến vấn đề xây dựng và thực hiện đạo đức công vụ: Chỉ thị 05 yêu cầu: tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ ở từng địa phương, cơ quan, đơn vị với phương châm “sát chức năng, nhiệm vụ, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện và đánh giá việc thực hiện”. Hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến đạo đức công vụ. Chúng ta đều biết, cơ quan nhà nước, cơ quan tư pháp là nơi thường xuyên tiếp xúc với nhân dân, là nơi dễ xảy ra quan liêu, tiêu cực, tham nhũng. Vấn đề xây dựng những chuẩn mực trong thực thi công vụ, cũng như xác định trách nhiệm, nghĩa vụ, thẩm quyền của cán bộ, công chức là vô cùng quan trọng và cấp bách.
Singapore, Indonexia, Philipin và nhiều nước trên thế giới đã ban hành Luật đạo đức công vụ (Philipin gọi là “Luật Hành vi ứng xử và tiêu chuẩn đạo đức cho công chức, viên chức”) để quy định rõ các hành vi đạo đức mà công chức, viên chức cần thực hiện, những hành vi trái tiêu chuẩn đạo đức bị nghiêm cấm và quy định rõ về chế tài, cơ quan có trách nhiệm xử lý các vi phạm.
Hiện nay, chúng ta có nhiều quy định về các hành vi được phép thực hiện và những hành vi bị nghiêm cấm đối với cán bộ, công chức, viên chức trong Hiến pháp, trong một số chỉ thị, nghị quyết, quy định của Đảng (Nghị quyết Trung ương 6(2), khóa VIII, Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI, Chỉ thị 06-CT/TW, khóa X, Chỉ thị 03-CT/TW, khóa XI, các chỉ thị về phòng chống tham nhũng, lãng phí…), một số văn bản luật (Luật công chức, viên chức (2008), Luật phòng chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí) và nhiều văn bản dưới luật, quy định, quy chế… Tuy nhiên, vì chưa rõ chế tài và chưa rõ cơ quan chịu trách nhiệm xử lý các vi phạm, nên hiệu quả thực thi chưa cao.
Thứ tám, trong Chỉ thị 05 không giới hạn thời gian thực hiện, như trong các chỉ thị 06-CT/TW khóa X và Chỉ thị 03 khóa XI, trong đó, đều xác định việc thực hiện chỉ thị để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc nhiệm kỳ khóa X và khóa XI. Lần này, Bộ Chính trị khóa XII đã ban hành một Chỉ thị rộng hơn về nội hàm, cao hơn về yêu cầu và lâu dài hơn về thời gian.
PV: Có thể khẳng định, việc ban hành Chỉ thị 05 một lần nữa đã khẳng định việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một nội dung quan trọng của công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Đồng chí có thể chia sẻ nhiều hơn về nội dung này?
PGS. TS Nguyễn Thị Phương Hoa: Vấn đề học tập và làm theo Bác trong Đảng và xã hội đã có quá trình lịch sử liên tục, lâu dài. Tại Lễ truy điệu Người, trong Điếu văn Chủ tịch Hồ Chí Minh do đồng chí Lê Duẩn đọc, khẳng định “suốt đời học tập đạo đức, tác phong của Người, bồi dưỡng phẩm chất cách mạng, không sợ gian khổ, không sợ hy sinh, rèn luyện mình thành những chiến sĩ trung thành với Đảng, với dân, xứng đáng là đồng chí, là học trò của Hồ Chủ tịch”; và những năm sau đó, khẩu hiệu “sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại” với yêu cầu học tập và làm theo gương Bác đã được toàn Đảng, toàn dân nêu cao thực hiện.
Ngày 27-3-2003, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IX ban hành Chỉ thị số 23-CT/TW về “đẩy mạnh nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới”, có xác định mục đích: “Tạo ra phong trào rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng theo gương Bác Hồ vĩ đại, đẩy lùi sự suy thoái đạo đức, lối sống”. Năm 2005, Bộ Chính trị khóa IX đã quyết định làm điểm việc tổ chức Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Trên cơ sở kết quả việc làm điểm, Bộ Chính trị khóa X ban hành Chỉ thị 06-CT/TW về tổ chức Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Đại hội Đảng lần thứ XI yêu cầu đưa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài của cán bộ, đảng viên, của các chi bộ, tổ chức đảng và các tầng lớp nhân dân. Thực hiện Nghị quyết Đại hội XI, ngày 14-5-2011, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị 03 về “Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Đại hội XII của Đảng khẳng định “tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; coi đó là công việc thường xuyên của các tổ chức Đảng, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, địa phương, đơn vị gắn với chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”.
Như vậy, có thể khẳng định, việc học tập và làm theo Bác xuất phát từ yêu cầu của sự nghiệp cách mạng qua mỗi thời kỳ, là tình cảm thiêng liêng của cán bộ, đảng viên, nhân dân ta đối với Bác Hồ kính yêu. Trong những năm tới đây, thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, đặc biệt là yêu cầu xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một nhiệm vụ rất quan trọng, cần thiết.
Nghị quyết Đại hội XII khẳng định: “Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; coi đó là công việc thường xuyên của các tổ chức Đảng, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, địa phương, đơn vị gắn với chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Như vậy, mục đích, yêu cầu được xác định cao hơn, phạm vi rộng hơn so với Chỉ thị 06-CT/TW và Chỉ thị 03. Trong đó, có chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, nhất là về tư tưởng chính trị, nhấn mạnh các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Lần đầu tiên trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng khẳng định xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh không chỉ về chính trị, tư tưởng, tổ chức, mà còn nhấn mạnh xây dựng Đảng về đạo đức. Việc ban hành chỉ thị mới, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, là nhằm đáp ứng yêu cầu cao hơn về rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong tình hình mới.
Đây cũng là lần đầu tiên “phong cách Hồ Chí Minh” được nhấn mạnh chính thức trong văn kiện Đại hội Đảng. Việc ban hành một Chỉ thị mới với tên gọi “Đẩy mạnhhọc tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, với một trong những trọng tâm là học tập và làm theo phong cách, tác phong Hồ Chí Minh về: dân chủ, nêu gương, quần chúng, khoa học, nói đi đôi với làm.., sẽ tạo động lực mới trong việc đổi mới phong cách, tác phong công tác của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cấp, các ngành.
PV: Trong Chỉ thị 05-CT/TW có nêu rõ: “Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị khoá XI về "Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" đã đạt được kết quả bước đầu, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng và Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay". Tuy nhiên, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh còn có những hạn chế, chưa trở thành việc làm thường xuyên, chưa thành ý thức tự giác của không ít tổ chức đảng, cơ quan, địa phương, đơn vị và một bộ phận cán bộ, đảng viên”.
Theo đồng chí, trong quá trình quán triệt, triển khai Chỉ thị 05 cần phải chú trọng những giải pháp như thế nào để khắc phục những hạn chế còn tồn tại như trên đã nêu?
PGS. TS Nguyễn Thị Phương Hoa: Thực hiện Chỉ thị 05, Ban Bí thư Trung ương Đảng sẽ ban hành kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị trong toàn Đảng, toàn dân. Bám sát nội dung của Chỉ thị, có một số vấn đề các cấp, các ngành cần quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện để phát huy những kết quả quan trọng đã đạt được và khắc phục những hạn chế, yếu kém trong thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW thời gian qua:
Một là, tiếp tục nâng cao nhận thức về yêu cầu phải thường xuyên, tự giác học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Các cấp ủy đảng tổ chức nghiên cứu, quán triệt nghiêm túc Chỉ thị của Bộ Chính trị trong cán bộ, đảng viên, nhân dân, nhằm thống nhất nhận thức thật sâu sắc, thật đầy đủ những nội dung cơ bản, giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng ở nước ta, đồng thời nhấn mạnh yêu cầu xây dựng kế hoạch và lộ trình làm theo của tổ chức, cá nhân.
Hai là, tổ chức học tập các chủ đề về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.Tiếp tục học tập, nhận thức sâu sắc thêm một số chủ đề/chuyên đề về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã ban hành trước[1], đồng thời chỉ đạo xây dựng chương trình, nội dung, chuyên đề học tập trong toàn khóa và hằng năm, tập trung vào nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh, đạo đức, phong cách, tác phong Hồ Chí Minh về: dân chủ, nêu gương, quần chúng, khoa học, nói đi đôi với làm.
Để nâng cao chất lượng hiệu quả trong việc tổ chức học tập và làm theo trong nhiệm kỳ khóa XII, hằng năm, vào dịp Sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5), Bộ Chính trị sẽ tổ chức cho Ban Chấp hành Trung ương học một chủ đề về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đồng thời, xây dựng kế hoạch làm theo Bác, để cán bộ, đảng viên, nhân dân học tập và noi theo.
Ba là, nêu cao trách nhiệm gương mẫu, tự giác đi đầu của lãnh đạo chủ chốt, người đứng đầu và của cán bộ, đảng viên. Chỉ thị mới của Bộ Chính trị nêu rõ yêu cầu cao đối với mỗi cán bộ, đảng viên phải tự giác nêu gương, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Vì vậy, phải theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện gắn với đánh giá, nhận xét cán bộ hằng năm và cả nhiệm kỳ.
Bốn là, gắn việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI.Phải coi nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một nội dung quan trọng trong chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; thúc đẩy hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, giải quyết dứt điểm những vấn đề nổi cộm, bức xúc kéo dài, mà cán bộ, đảng viên, nhân dân quan tâm.
Năm là, tổ chức học tập và xây dựng kế hoạch rèn luyện, tu dưỡng đạo đức của cán bộ, công chức, viên chức. Các cơ quan nhà nước, cơ quan tư pháp là nơi thường xuyên tiếp xúc với nhân dân, là nơi dễ xảy ra quan liêu, tiêu cực, tham nhũng. Phải nghiêm túc tổ chức học tập và xây dựng kế hoạch rèn luyện, tu dưỡng đạo đức của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu; tổ chức kiểm tra, giám sát thường xuyên trong tổ chức thực hiện. Hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến đạo đức công vụ.
Sáu là, thực hiện phương châm “xây” đi đôi với “chống”. Trong Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Các cấp ủy đảng, ủy ban kiểm tra các cấp phải kiểm tra, giám sát thường xuyên. Khắc phục tình trạng đầu nhiệm kỳ thì tập trung, gần cuối nhiệm kỳ xao nhãng, chững lại.
Tăng cường chỉ đạo cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng đạt kết quả thực chất, để củng cố niềm tin cán bộ, đảng viên, nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi đẩy mạnh việc học tập và làm theo Bác.
Bảy là, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và kết quả việc học tập và làm theo Bác. Đưa nội dung giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong hệ thống học viện, trường chính trị, trung tâm bồi dưỡng chính trị cả nước; vào chương trình giảng dạy trong hệ thống giáo dục quốc dân; nâng cao nhận thức và vai trò của gia đình, cha mẹ đối với giáo dục đạo đức, lối sống, nhân cách cho thanh, thiếu niên, nhi đồng; xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, trọng tâm là xây dựng hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập.
Tám là, đổi mới, nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị. Xác định trách nhiệm lãnh đạo thực hiện Chỉ thị là của các cấp ủy, tổ chức đảng, thường xuyên là Ban Thường vụ cấp ủy, trực tiếp là đồng chí bí thư cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị. Ở Trung ương là Ban Bí thư Trung ương Đảng, trực tiếp là đồng chí Tổng Bí thư.
Yêu cầu mới không thành lập bộ phận giúp việc các cấp, giao nhiệm vụ giúp việc cấp ủy thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị cho ban tuyên giáo các cấp. Do đó, thời gian tới, Ban Tuyên giáo Trung ương sẽ nghiên cứu để sớm có hướng dẫn về việc tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị quan trọng này.
PV: Xin trân trọng cám ơn đồng chí.