Thứ năm, 14/05/2015, 10:06:10
Chào mừng đồng chí và các bạn đã đến với cổng thông tin điện tử Đảng Bộ Khối các cơ quan tỉnh Quảng Nam !
 
  • Site
  • Web
Search

Chi tiết tin tức

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Ngày đăng: 8:29 | 11/08 Lượt xem: 10629

Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế trong việc thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XI về "Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh," Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 05-CT/TW, tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong Đảng, hệ thống chính trị và nhân dân, đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thành công việc tự giác, thường xuyên của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền...


 

Hồ Chí Minh- một tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng

Sinh thời, Hồ Chí Minh coi đạo đức là nền tảng của người cách mạng, cũng giống như gốc của cây, ngọn nguồn của sông, suối; người cách mạng phải có đạo đức cách mạng mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng. Vì vậy, việc chăm lo, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng là công việc thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân, của mỗi gia đình và mỗi người trong xã hội. Là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, Hồ Chí Minh hiểu rất rõ rằng: “Tất cả các đảng cách mạng đã bị tiêu vong cho tới nay, đều bị tiêu vong vì tự cao tự đại, vì không biết nhìn rõ cái gì tạo ra sức mạnh của mình, vì sợ sệt không dám nói lên những nhược điểm của mình”[1], nên nhấn mạnh: Then chốt trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng là thật thà tự phê bình và phê bình để  mới gột rửa những tư tưởng, quan điểm, hành vi sai trái với phẩm chất đạo đức của người cách mạng, góp phần nâng cao sức chiến đấu của Đảng, loại bỏ những phần tử xấu ra khỏi Đảng, “cốt để đoàn kết và thống nhất nội bộ”. Đồng thời yc mỗi cán bộ, đảng viên phải rèn luyện đạo đức cách mạng, thực hiện cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, đoàn kết, thương yêu, nuôi dưỡng và phát triển tình thương yêu đồng chí, chống bệnh công thần, ham địa vị, kèn cựa và cục bộ và kiên quyết chữa cái bệnh hẹp hòi để luôn trong Đảng luôn đoàn kết và thống nhất.

Quan tâm và dày công xây dựng Đảng ta thành một khối trong sạch, vững mạnh gắn liền với việc chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, Hồ Chí Minh đã luôn gắn lợi ích giai cấp, dân tộc với đoàn kết quốc tế để tranh thủ và phát huy nguồn sức mạnh nội lực của dân tộc và thời đại, để đảm bảo đưa sự nghiệp cách mạng đến thắng lợi. Thật đặc biệt song không phải ngẫu nhiên, trước khi từ biệt chúng ta trở về với cõi vĩnh hằng, Hồ Chí Minh lại căn dặn những lời đầy tâm huyết trong bản Di chúc lịch sử: “Việc cần làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm, toàn ý, phục vụ nhân dân” và “các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”[2].

Thấm nhuần sâu sắc và nhận thức rõ vai trò, sức mạnh của đạo đức cách mạng và quy luật phát triển của nó, đồng thời coi đạo đức là cái gốc, cái căn bản, là nền tảng của người cách mạng, nên trong bất cứ hoàn cảnh nào, thời điểm nào của sự nghiệp cách mạng, Hồ Chí Minh cũng luôn rèn luyện đạo đức cách mạng “như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. Là một đảng viên của Đảng, Hồ Chí Minh từng nói: Đảng ta là đạo đức, là văn minh, là thống nhất, là độc lập, là hoà bình, ấm no, do đó, cán bộ, đảng viên của Đảng phải tiêu biểu cho trí tuệ, lương tâm, danh dự của dân tộc và thời đại. Vì vậy, “để làm mực thước cho dân”, người cộng sản Hồ Chí Minh đã luôn thực hành gương mẫu “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”, coi khinh sự xa hoa, giản dị trong nếp sống,v.v..Đặc biệt, trong những năm tháng đứng ở đỉnh cao quyền lực, với vị thế một nguyên thủ quốc gia (1945-1969), Người vẫn tuyệt nhiên không cầu danh lợi, không màng phú quý, chỉ nhận sự ủy thác của nhân dân và cùng nhân dân Việt Nam vượt mọi gian khó, đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập,  thống nhất, dân chủ và giàu mạnh.

Hồ Chí Minh thường xuyên quan tâm đến việc giáo dục đạo đức cho mọi đối tượng trong xã hội, từ công nhân, nông dân đến trí thức, văn nghệ sĩ; từ các cụ phụ lão đến phụ nữ, thanh niên, nhi đồng; từ đồng bào các dân tộc đến đồng bào các tôn giáo…Theo Người, đạo đức phải được thể hiện trong mọi lĩnh vực hoạt động, từ sinh hoạt, học tập, lao động, đến lãnh đạo, quản lý; trong cả ba mối quan hệ chủ yếu, đối với mình, đối với việc, đối với người… Cùng với việc đề cập đạo đức công dân, Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến đạo đức của cán bộ, đảng viên, vì “cán bộ là cái gốc của mọi công việc; muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay cán bộ kém” và Người đã kiên trì giáo dục đạo đức mới - đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên, nhằm ngăn chặn, khắc phục những hiện tượng suy thoái về đạo đức và lối sống; đặc biệt nhằm chống lại những khuynh hướng sai lệch về quyền lực như quan liêu, cậy thế, cậy quyền lợi dụng quyền lực, lạm dụng quyền lực, say mê quyền lực, chạy theo quyền lực, tranh giành quyền lực, tham quyền cố vị… vốn là những tệ nạn, nguy cơ làm sụp đổ sự nghiệp của một người, thậm chí của cả một Đảng.

Tư tưởng, tấm gương  đạo đức Hồ Chí Minh ngày càng giữ vị trí nổi bật trong đời sống tinh thần của xã hội, trong xây dựng con người Việt Nam mới xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, góp phần quan trọng điều chỉnh hành vi của mỗi người Việt Nam theo hướng chân, thiện, mỹ. Tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là lời giải về bài toán đạo đức của nhân loại mà giá trị của nó không thể phai mờ, đã góp sức “phục hưng” và “cải tạo một thời đại”. Trong tầm nhìn của nhân loại tiến bộ, Hồ Chí Minh là một trong những tấm gương sáng nhất về cuộc đời của một con người “đầy tình yêu nhân dân, đầy yêu thương con trẻ, dạt dào tình yêu Tổ quốc, yêu những người lao động, yêu Đảng, yêu chủ nghĩa xã hội và lý tưởng cộng sản chủ nghĩa”[3]. Cho dù chặng đường cách mạng mới có thể và nhất định sẽ hình thành những giá trị đạo đức mới, thì những giá trị đạo đức Hồ Chí Minh vẫn còn ổn định, vẫn là nền tảng vững chắc cho các quan hệ xã hội mới.

Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Trong 5 năm (2011-2015) triển khai nghiêm túc việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị, công tác tuyên truyền về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được đẩy mạnh, bằng nhiều hình thức phong phú, sinh động. Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã tạo sự chuyển biến trong nhận thức của cán bộ, đảng viên về ý nghĩa, giá trị tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, có ý thức và thái độ tích cực trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; tác động tích cực đến đời sống văn hóa tinh thần của cán bộ, đảng viên; tạo ra sự chuyển biến trong nhận thức và hành động, góp phần đẩy lùi sự suy thoái về đạo đức, lối sống trong  một bộ phận cán bộ, đảng viên.Những kết quả trong triển khai thể hiện rõ:

Một là, nội dung học tập tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo từng năm, từng chuyên đề thiết thực cụ thể, đáp ứng nhu cầu thực tiễn bức xúc, thể hiện một cách sâu sắc, toàn diện tư tưởng đạo đức, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Hai là, việc xây dựng và tổ chức thực hiện những chuẩn mực đạo đức theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh phù hợp với đặc điểm các lĩnh vực hoạt động của từng đơn vị. Trên cơ sở đó, mỗi cán bộ, đảng viên tự đăng ký phấn đấu thực hiện các chuẩn mực đạo đức được xây dựng kết hợp với đăng ký học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh phù hợp với lĩnh vực mình công tác.

Ba là, đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào sinh hoạt thường xuyên của chi bộ, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và các phong trào thi đua khác, trở thành động lực giúp hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị. Các cấp ủy đã chỉ đạo đưa nội dung thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW vào trong kế hoạch hàng năm, thành một trong những yêu cầu đối với việc xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ chính trị. Việc đưa các chuyên đề vào sinh hoạt chi bộ hàng tháng dần dần đã đi vào nền nếp, góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ.

Bốn là, việc thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW được gắn kết với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI được coi là một nội dung quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, gắn với các phong trào thi đua yêu nước; gắn với việc thực hiện chống tham ô, quan liêu, tham nhũng; cải cách hành chính…  Sau kiểm điểm tự phê bình và phê bình, ban chi ủy đã xây dựng kế hoạch cụ thể để giải quyết từng việc, khắc phục, sửa chữa những khuyết điểm, hạn chế.

Năm là, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nhất là thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt đã góp phần đổi mới lề lối, tác phong làm việc ở cơ quan, đơn vị, góp phần thực hiện các quy định chung cua Đảng về thực hiện Điều lệ đảng, Quy định về những điều đảng viên không được làm; nêu cao ý thức, tinh thần, thái độ hoàn thành tốt nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên. Nhờ đó mà những vấn đề còn tồn đọng đều được giải quyết dứt điểm, khối đoàn kết trong cơ quan được củng cố; thái độ giao tiếp, ứng xử giữa cán bộ với nhau, giữa cán bộ với lãnh đạo, giữa giảng viên với học viên có nhiều chuyển biến tích cực; công việc được xử lý nhanh, gọn, hiệu quả hơn.

Sáu là, công tác kiểm tra, giám sát định kỳ của cấp ủy đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt, người đứng đầu đơn vị. Cấp ủy các cấp thường xuyên tiến hành kiểm tra, giám sát việc tu dưỡng rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên. Các thành viên trong Ban Chi ủy luôn gương mẫu, đi đầu trong mọi công việc.

Bảy là, đưa nội dung tư tưởng đạo đức và tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào chương trình giáo dục lý luận chính trị các trình độ. Ban Chỉ đạo Trung ương đã sớm chỉ đạo Bộ giáo dục và Đào tạo và các cơ quan triển khai hoạt động này. Việc tổ chức nghiên cứu, đưa các nội dung chuyên đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vào các chương trình, giáo trình, giáo khoa của các cấp học trong hệ thống giáo dục quốc dân;  hướng dẫn kết hợp triển khai nội dung cuộc vận động trong các hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt   đầu khóa; các hoạt động của tổ chức đoàn, đội, hội… đã thu được kết quả khả quan.

Tám là, việc giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh niên theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đối với đoàn viên, thanh niên, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh  đã đưa nội dung học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vào các chương trình hành động, các hoạt động đặc trưng của Đoàn, với những hình thức phong phú, tổ chức nhiều phong trào tình nguyện, xung kích, sáng tạo… thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên tham gia và xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo đạo đức Hồ Chí Minh.

Kết quả nổi bật sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị là cán bộ, đảng viên ngày càng tin tưởng hơn vào đường lối, chính sách của Đảng; nhận thức rõ hơn về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; về vai trò của đạo đức trong xây dựng nền tảng tinh thần xã hội. Qua học tập, cán bộ, đảng viên có ý thức rõ hơn trong việc tu dưỡng, rèn luyện về phẩm chất đạo đức, lối sống, có tinh thần đoàn kết tương thân, tương ái giúp đỡ nhau trong công tác, phong cách, lề lối làm việc và thái độ ứng xử trong giao tiếp. Nhờ đó, tác phong và lề lối làm việc của cán bộ, đảng viên được cải thiện rất nhiều, thái độ phục vụ nhân dân có chuyển biến tích cực. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt gương mẫu, ý thức trách nhiệm cao, nói đi đôi với làm, đã tạo được lòng tin của cán bộ, đảng viên vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền các cấp.

Việc gắn học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay”đã không chỉ góp phần đẩy mạnh việc thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW, mà còn thiết thực tạo ra những chuyển biến bước đầu trong việc giải quyết những vấn đề cấp bách của xây dựng Đảng, khắc phục sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, từng bước đẩy lùi sự “tự chuyển hóa”, “tự diễn biến” trong Đảng và xã hội…

Trong quá trình thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW, việc yêu cầu đề cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt trong thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW đã có tác dụng thiết thực, không chỉ với cán bộ lãnh đạo, cán bộ, đảng viên, mà còn động viên mỗi đảng viên thực hiện Chỉ thị ngày một nghiêm túc. Kết quả lấy phiểu tín nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý đã thể hiện sự cố gắng sửa chữa khuyết điểm, hạn chế, nâng cao tinh thần trách nhiệm trước công việc của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong học tập và làm theo Bác.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh còn bộc lộ một số hạn chế như: Trong lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW vẫn còn mang tính hình thức, chưa chủ động, cấp dưới còn chờ đợi chỉ đạo hướng dẫn của cấp trên. Việc tổ chức sinh hoạt chuyên đề tại chi bộ vẫn còn mang tính phong trào, thiếu lien tục; nội dung đăng ký học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của cán bộ, đảng viên còn chung chung, thiếu cụ thể. Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị của nhiều cấp cấp ủy chưa được coi trọng. Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh còn có những hạn chế, chưa trở thành việc làm thường xuyên, chưa thành ý thức tự giác của không ít tổ chức đảng, cơ quan, địa phương, đơn vị và một bộ phận cán bộ, đảng viên…

Thực tiễn cho thấy, Chỉ thị 03-CT/TW đã khẳng định việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh rất quan trọng và cần thiết, chẳng những đáp ứng yêu cầu cấp bách trước mắt mà còn có ý nghĩa cơ bản, lâu dài đối với sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng và nhân dân ta; góp phần vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng. 

Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XI đã đạt được kết quả bước đầu, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay". Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế trong việc thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XI về "Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 05-CT/TW “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Để đẩy mạnh “việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một nội dung quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu”  theo tinh thần Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị và đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh sâu rộng, thường xuyên, liên tục và có hệ thống bằng nhiều hình thức phong phú, sinh động các nội dung chủ yếu về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng yếu sau:

Thứ nhất, cấp ủy các cấp đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, nghị quyết của cấp ủy và nội dung sinh hoạt thường xuyên của chi bộ. Gắn việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh  với  các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam, xây dựng hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Thứ hai, các cấp ủy đảng tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện học tập và làm theo tư tưởng Chí Minh về giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội và con người; về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; về sức mạnh của nhân dân, về khối đại đoàn kết toàn dân tộc; về quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân; về quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân; về xây dựng, phát triển kinh tế và văn hóa, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; về đạo đức cách mạng; về chăm lo, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau; về xây dựng Đảng...

Thứ ba, đẩy mạnh học tập và làm theo, tập trung vào làm theo các quan điểm và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về: tuyệt đối trung thành, kiên định lý tưởng cách mạng, đặt lợi ích của Đảng, của đất nước, dân tộc lên trên tất cả; hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phụng sự nhân dân, tận trung với nước, tận hiếu với dân; hết lòng yêu thương đồng bào, đồng chí, yêu thương con người; cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư, thật sự là công bộc của nhân dân, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội...

Thứ tư, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý; mỗi tổ chức, tập thể, cơ quan, đơn vị tập trung rèn luyện và làm theo phong cách Hồ Chí Minh về tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo, luôn gắn chặt lý luận với thực tiễn; phong cách làm việc dân chủ, khoa học, kỹ lưỡng, cụ thể, tới nơi, tới chốn; phong cách ứng xử văn hóa, tinh tế, đầy tính nhân văn, thấm đậm tinh thần yêu dân, trọng dân, vì dân; phong cách nói đi đôi với làm, đi vào lòng người; nói và viết ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm; phong cách sống thanh cao, trong sạch, giản dị; phong cách quần chúng, dân chủ, tự mình nêu gương,... phản ánh những giá trị cốt lõi trong tư tưởng, đạo đức của Người và được thể hiện vô cùng sinh động, tự nhiên, độc đáo, có sức thu hút, cảm hóa kỳ diệu trong hoạt động, ứng xử hằng ngày.

Thứ năm, đổi mới công tác tuyên truyền việc triển khai, thực hiện theo phương châm nêu gương “từ trên xuống” (cấp trên thực hiện trước, cấp dưới thực hiện sau), “trong trước ngoài sau” (trong Đảng thực hiện trước, ngoài Đảng thực hiện sau), nói đi đôi với làm (nhất quán giữa nói và làm), nhất là chú trọng những kết quả cùng bài học kinh nghiệm việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trong mỗi hội nghị sơ kết và tổng kết hằng năm. Chú trọng việc biểu dương, khen thưởng kịp thời những tập thể và cá nhân tiêu biểu, tuyên truyền nhân rộng những tấm gương điển hình, tạo sự lan tỏa trong xã hội./.

---------------------------------

[1] V.I. Lênin, Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, M, 1978, t. 45, tr.141

[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. CTQG, H, 1996, t.12, tr.503-497

[3] Hồ Chí Minh sống mãi trong trái tim nhân loại, Nxb. LĐ - Nxb. QĐND, H, 1993, tr.120

Tác giả: TS Văn Thị Thanh Mai

Nguồn tin: Tạp chí Tuyên giáo

[Trở về]

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

    

Liên kết web

Lượt truy cập

00004814705

Hôm nay: 190
Hôm qua: 2496
Tháng này: 55568
Tuần này: 190
Năm này: 55568