Trạng thái thứ nhất đã được nhắc đến nhiều. Đó là: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả cán bộ cao cấp, suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...” làm giảm sút niềm tin của nhân dân. Trạng thái thứ hai là một số cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng được Bộ Chính trị phân công nắm giữ cương vị lãnh đạo chủ chốt tại một số bộ, ngành, địa phương đã tạo ra những xung chấn và hưng phấn mới trong xã hội, củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân. Nhiều người đã gọi đó là “hiện tượng” trong xã hội. Xin nêu 2 hiện tượng tương đối tiêu biểu được xã hội quan tâm, người dân tin tưởng.
Hiện tượng thứ nhất, đồng chí Nguyễn Bá Thanh (nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng). Từ quá trình lãnh đạo Thành ủy, HĐND TP. Đà Nẵng, người ta đã rút ra từ “hiện tượng” này 3 vấn đề mấu chốt trong hành động của đồng chí:
- Đồng chí Nguyễn Bá Thanh thể hiện rõ là một cán bộ chống quan liêu, luôn luôn đi sát cuộc sống, nhận rõ sự thật, nói đúng sự thật. Đồng chí chưa bao giờ tỏ ra là người giỏi lý luận. Sức thuyết phục lớn nhất của đồng chí không phải là lý luận mà là hành động. Có lần, đồng chí hỏi Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng: “Anh có biết trong nội thành còn có khu dân cư nào không có thùng đựng rác và họ đã xử lý rác như thế nào?”. Ông giám đốc lúng túng không đáp được. Đồng chí nói: “Sau cuộc họp này, anh nên chịu khó đến khu dân cư Mân Thái (huyện Sơn Trà) để biết về tình trạng này và mau chóng giải quyết cho bà con”. Khi ông Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Đà Nẵng viện dẫn quy định của Bộ này để trả lời khó khăn trong việc xử lý dạy thêm, đồng chí Thanh nói: “Anh không phải bộ trưởng. Vấn đề của anh là trả lời câu hỏi của Đà Nẵng. Thành phố có hay không có chuyện các giáo viên tiểu học lên lớp dạy chính khóa, nhưng không chịu truyền đạt hết kiến thức cho các cháu mà để dành cho dạy thêm”.
- Đồng chí Nguyễn Bá Thanh khuyến khích sự công khai minh bạch trong mọi việc, không sợ vì thế mà mất uy tín của mình cũng như của cấp ủy, chính quyền. Qua chất vấn về tình trạng cảnh sát giao thông đòi mãi lộ chưa ngăn chặn được, đồng chí đề nghị lắp đặt ca-mê-ra giám sát các mối đường để loại bỏ ngay cảnh sát giao thông nào chặn xe giữa đường. Về tình trạng các ngân hàng làm khó doanh nghiệp đòi lãi suất trên 15%, Nguyễn Bá Thanh yêu cầu Giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP. Đà Nẵng ngay buổi chiều phiên họp công bố 10 ngân hàng còn thu lãi suất trên 15%. Về tình trạng không ngăn chặn nổi việc lấn chiếm lòng - lề đường, đồng chí kết luận: “Công khai tên các chủ tịch phường còn để lấn chiếm lòng - lề đường, lần đầu kỷ luật cảnh cáo, nếu để tái phạm sẽ bị cách chức ngay”.
- Đồng chí Nguyễn Bá Thanh tôn trọng luật pháp, đồng thời đòi hỏi luật pháp phải đi sát cuộc sống, đáp ứng đúng yêu cầu của cuộc sống, phục vụ lợi ích lâu dài của số đông người dân, thậm chí có lúc đã “phá rào” để có lợi cho phong trào.
Hiện tượng thứ hai, đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh. Đối với đồng chí Đinh La Thăng, không phải đến bây giờ mà những năm trước đó, với tư cách là Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, đồng chí đã phần nào trả được “món nợ” niềm tin của người dân đối với Ngành này. Khi Tổng cục Đường bộ đề xuất sửa chữa mặt cầu Thăng Long với chi phí hơn 300 tỉ đồng, Bộ trưởng Thăng “bác” thẳng thừng và cho rằng không phù hợp, gây lãng phí và yêu cầu Tổng cục Đường bộ đưa ra giải pháp kỹ thuật tiết kiệm nhất để sửa triệt để mặt cầu, ổn định khai thác lâu dài. Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu Tổng cục Đường bộ phải nghiêm khắc rút kinh nghiệm trong việc tham mưu đề xuất phương án này bởi đã đưa ra một phương án thiếu tính toán, không khoa học và tốn kém. Đối với Cục trưởng Cục Đường sắt trước khi bị đình chỉ công tác, tại nhiều cuộc họp, chính Bộ trưởng Thăng đã công khai chỉ ra hàng loạt yếu kém của Ngành Đường sắt như tự coi mình là một bộ, ngồi chờ “sung rụng”, Ngành Đường sắt yếu kém mà lãnh đạo đánh golf nhiều hơn ngành hàng không… Với thực trạng như vậy, tạm đình chỉ chức vụ Cục trưởng Cục Đường sắt là cần thiết. Nhìn lại những việc Bộ trưởng Đinh La Thăng đã làm, những công trình giao thông quan trọng hoàn thành, có công trình hoàn thành trước thời hạn đưa vào sử dụng cho thấy sự quyết liệt nói đi đôi với làm. Bộ trưởng Đinh La Thăng khôi phục niềm tin của nhân dân bằng những hành động kiên quyết của mình ở Bộ Giao thông vận tải thời gian qua.
Khi được Bộ Chính trị giao nhiệm vụ giữ chức vụ Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh, đồng chí Đinh La Thăng đã có những phát ngôn mạnh mẽ, những hành động rất sâu sát cuộc sống và quyết liệt không kém khi thời còn ở Bộ Giao thông vận tài. Ít ai ngờ khi mới “chân ướt chân ráo” bước chân vào địa hạt mới mẻ ở một thành phố rộng lớn, rất phức tạp và có nhiều vấn đề cần giải quyết, Bí thư chỉ đạo sau 3 tháng phải giảm được nạn cướp giật ở thành phố - một vấn nạn bức xúc, đe dọa trực tiếp cuộc sống an bình của nhân dân; lập đường dây nóng để lắng nghe và giải quyết những yêu cầu, đề xuất, hiến kế của nhân dân… Gần đây, ngày 20-3-2016, Thành đoàn TP. Hồ Chí Minh tổ chức "Chương trình thanh niên khởi nghiệp, xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh - Thành phố khởi nghiệp dành cho giới trẻ". Đây là chương trình của Ban Thường vụ Thành đoàn TP. Hồ Chí Minh tổ chức nhằm tạo diễn đàn để đoàn viên thanh niên kiến nghị, hiến kế về các vấn đề liên quan đến khởi nghiệp, ứng dụng khoa học-công nghệ, cải cách hành chính, văn hóa ứng xử của công chức đối với nhân dân… nhằm góp sức xây dựng TP. Hồ Chí Minh có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Tuy nhiên, một số giám đốc sở không có mặt hoặc cử người không đúng thẩm quyền đi thay. Bí thư Đinh Là Thăng cho rằng: “Thái độ như thế là không nghiêm túc. Bận gì thì bận, một năm mới có một buổi để gặp gỡ riêng lắng nghe đối thoại, nghe hiến kế, bức xúc của các em”, như thế là “khinh dân, coi thường lãnh đạo” “đề nghị Chủ tịch UBND thành phố kiểm điểm các giám đốc sở không có mặt”.
Có ý kiến cho rằng những lời nói, việc làm của đồng chí Nguyễn Bá Thanh và Đinh La Thăng - người đứng đầu tổ chức đảng “lấn sân” của chính quyền. Nhưng nhiệm vụ quan trọng và đầu tiên của người đứng đầu đảng bộ là gì nếu không phải là bằng mọi cách tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng trong đảng bộ mình với phương châm việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh và nói đi đôi với làm như Bác từng căn dặn? Tổ chức thực hiện không có nghĩa là chỉ tay năm ngón mà phải sâu sát chỉ đạo, tìm ra những nút thắt, chỉ ra cách tháo gỡ, kiểm tra giám sát, đôn đốc, và đặc biệt xử lý ngay cán bộ không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Ai đi đầu nếu không phải là người đứng đầu? Đoàn tàu chuyển động nhanh hay chậm do đầu tàu hay do các toa tàu? Nhưng điều quan trọng nhất là hành động của các đồng chí đã và đang khôi phục niềm tin của nhân dân vào vai trò tiên phong của người đảng viên, vào mục đích ra đời và hoạt động của Đảng là vì lợi ích của nhân dân, đất nước, ngoài ra Đảng không có lợi ích nào khác. Hiện nay, không phải người lãnh đạo nào cũng “có gan” làm được như thế. Nhưng chắc cũng không phải quá hiếm. Do đó, người dân và các phương tiện truyền thông cũng nên phát hiện và tuyên dương nhiều cán bộ hơn nữa để có thêm những tấm gương sáng trong đội ngũ những cán bộ lãnh đạo, quản lý, qua đó khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng.
Có nhiều cách để chiếm lĩnh niềm tin của dân, trong đó Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từ lâu chỉ ra con đường tốt nhất, ngắn nhất, hiệu quả nhất. Đường lối, chủ trương của Đảng đã có rồi, giờ là lúc tìm biện pháp và con người thực hiện cho đúng, trong đó, “giữ chặt mối liên hệ với dân chúng và luôn luôn lắng tai nghe ý kiến của dân chúng, đó là nền tảng lực lượng của Đảng và nhờ đó mà Đảng thắng lợi. Vì vậy, cách xa dân dân chúng, không liên hệ chặt chẽ với dân chúng, cũng như đứng lơ lửng giữa trời, nhất định thất bại. Chọn người và thay người cũng là một vấn đề quan trọng trong việc lãnh đạo”(1). Bác Hồ cũng chỉ ra rằng, “công việc càng gay go thì sự lãnh đạo càng phải liên hợp chặt chẽ với quần chúng, càng phải liên hợp chặt chẽ giữa chính sách chung với sự chỉ đạo riêng, để phá tan cách lãnh đạo lờ mờ, quan liêu, chủ quan, bàn giấy”(2). Trong tình hình hiện nay, một số cán bộ lãnh đạo đã chiếm được niềm tin của người dân bằng lời nói và đi đôi với hành động quyết liệt của mình trên cương vị được giao. Niềm tin của người dân được khôi phục, củng cố, tăng cường bởi cán bộ lãnh đạo, quản lý đã học tập và làm theo cách mà Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra.