Thứ năm, 14/05/2015, 10:06:10
Chào mừng đồng chí và các bạn đã đến với cổng thông tin điện tử Đảng Bộ Khối các cơ quan tỉnh Quảng Nam !
 
  • Site
  • Web
Search

Chi tiết tin tức

Tổ chức kiểm tra (Kiểm tra,giám sát)

Về phê bình trong Đảng hiện nay

Ngày đăng: 7:35 | 12/10 Lượt xem: 2654

Trong sinh hoạt đảng, phê bình là hình thức tổ chức đảng, đảng viên nêu và đánh giá những ưu điểm, khuyết điểm của tổ chức đảng, cá nhân đảng viên được phê bình nhằm phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, sự trong sạch, vững mạnh về mọi mặt của cán bộ, đảng viên. Đảng Cộng sản Việt Nam “lấy tự phê bình và phê bình làm quy luật phát triển của Đảng. Đảng luôn khuyến khích và mở rộng tự phê bình và phê bình, nhất là phê bình từ dưới lên”...

Trong sinh hoạt đảng, phê bình là hình thức tổ chức đảng, đảng viên nêu và đánh giá những ưu điểm, khuyết điểm của tổ chức đảng, cá nhân đảng viên được phê bình nhằm phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, sự trong sạch, vững mạnh về mọi mặt của cán bộ, đảng viên. Đảng Cộng sản Việt Nam “lấy tự phê bình và phê bình làm quy luật phát triển của Đảng. Đảng luôn luôn khyến khích và mở rộng tự phê bình và phê bình, nhất là phê bình từ dưới lên và cấm ngặt những hành động trấn áp phê bình”(1). Tự phê bình và phê bình có mối quan hệ chặt chẽ, biện chứng với nhau, trở thành một nguyên tắc của sinh hoạt đảng. Qua các thời kỳ, tên gọi và trật tự sắp xếp giữa tự phê bình và phê bình tuy có khác nhau nhưng đều được ghi trong Điều lệ Đảng; BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư các khóa đã có nhiều văn bản quy định, hướng dẫn tổ chức đảng các cấp thực hiện nguyên tắc này.

Có những thời điểm, do nhiều nguyên nhân khác nhau xuất hiện tiêu cực, yếu kém trong nội bộ Đảng; đáng lo ngại nhất là “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...”(2). Những vấn đề mà Nghị quyết Trung ương 6 lần 2 (khóa VIII) và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng nêu ra là những vấn đề cấp bách và bức xúc của công tác xây dựng đảng hiện nay, đang được toàn Đảng, toàn dân quan tâm, lo lắng; quyết tâm hạn chế yếu kém và xử lý tiêu cực trong “một bộ phận không nhỏ” đang là nhu cầu, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Hầu hết các nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Đảng ta đều xác định và thực hiện tự phê bình và phê bình với phương châm: “Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, khách quan, không nể nang, né tránh”(3)khuyết điểm, yếu kém.

V.I.Lênin từng nói: Không thể có phương pháp mới của ngày hôm nay nếu như kinh nghiệm ngày hôm qua không “mở mắt” cho những người cộng sản thấy những sai lầm của phương pháp cũ. “Chỉ khi nào chúng ta không sợ thừa nhận những thất bại và những thiếu sót của mình, chỉ khi nào chúng ta nhìn thẳng vào sự thật, dù là sự thật đáng buồn nhất đi nữa - chỉ khi đó chúng ta mới học được cách chiến thắng”(4). Là một đảng cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam trưởng thành trong thực tiễn đấu tranh chống giặc ngoại xâm giành độc lập cho dân tộc, lãnh đạo nhân dân vượt qua đói nghèo, lạc hậu, được nhân dân thừa nhận và tôn vinh. Vì vậy, không có lý do gì để Đảng né tránh sự phê bình về những hạn chế, yếu kém trong nội bộ Đảng.

Thời gian qua, công tác phê bình được các cấp ủy, tổ chức đảng quan tâm thực hiện trong sinh hoạt thường kỳ và đột xuất. Hình thức tiến hành có nhiều đổi mới tích cực, dân chủ trong Đảng tiếp tục được mở rộng, thường xuyên gắn phê bình với đánh giá, phân loại chất lượng đảng viên, tổ chức đảng hằng năm. Nhiều tổ chức đảng cấp trên đã quan tâm gợi ý nội dung phê bình và cử cấp ủy viên theo dõi tổ chức đảng cấp dưới; gắn phê bình với các khâu của công tác cán bộ như đánh giá, quy hoạch, bố trí, bổ nhiệm, bộ nhiệm lại cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý. Các cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên phê bình tập trung vào thực hiện nhiệm vụ, chức trách được giao, việc giữ gìn đạo đức, lối sống, sự phấn đấu, rèn luyện trong học tập và công tác. Qua phê bình, mỗi cán bộ, đảng viên không chỉ nhận thức rõ hơn những khó khăn toàn Đảng đang phải đối mặt; thấy rõ hơn ưu điểm để phát huy, khuyết điểm để kịp thời khắc phục, mà còn có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe, góp phần ngăn chặn nhiều việc làm sai trái, tiêu cực.

Tác dụng, ưu điểm của phê bình trong Đảng thời gian qua là không thể phủ nhận nhưng so với yêu cầu, sự kỳ vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân thì chưa được như mong muốn. Thực tiễn cho thấy, trong các nguyên tắc hoạt động của Đảng thì tự phê bình và phê bình còn nhiều yếu kém, hạn chế nhất. Không ít cấp uỷ chưa coi trọng tự phê bình. Khi có khuyết điểm, vi phạm, bị cấp trên nhắc nhở thì mới tiến hành phê bình. Hiện tượng phổ biến là phê bình chỉ tập trung vào ưu điểm, bỏ qua khuyết điểm, hạn chế; có lúc, có chỗ phê bình rất mạnh nhưng chung chung, không thuộc về ai, không có địa chỉ rõ ràng, chưa gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Khuyết điểm nhiều người biết, có kết luận của tổ chức có thẩm quyền thì tập trung phê bình, khuyết điểm chưa ai biết thì cố tình giấu giếm, bao che cho nhau. Có nơi lợi dụng phê bình để chê bai, hạ bệ uy tín của đồng chí, đồng nghiệp và thông qua phê bình để nịnh bợ cấp trên, “vuốt ve” lãnh đạo. Tính tự giác, tính chiến đấu trong sinh hoạt của nhiều cấp ủy, chi bộ hạn chế, có phần bị triệt tiêu; tiêu cực của cán bộ lãnh đạo, quản lý nhìn thấy rất rõ nhưng ít đảng viên dám phê bình, nếu bắt buộc phải lên tiếng thì phê bình lấy lệ, qua loa, né tránh. Một đảng cách mạng, chân chính mà để xảy ra những hiện tượng trên là điều nguy hiểm.

Phê bình trong Đảng, nhất là cấp dưới phê bình cấp trên là vấn đề rất khó, ngoài những biện pháp căn bản, truyền thống cần quan tâm thêm những vấn đề:

Một là, phát huy tính tự giác, sự gương mẫu của cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Chất lượng, hiệu quả của phê bình phụ thuộc vào tính tự giác, sự gương mẫu của từng cấp ủy viên, đảng viên trong chi bộ, trong đó cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý đóng vai trò quyết định. Vì vậy, cán bộ lãnh đạo, quản lý phải nghiêm túc, thành khẩn tự phê bình trước, đi thẳng vào những hạn chế, yếu kém của mình để tạo không khí cởi mở, dân chủ, độ tin cậy trong sinh hoạt đảng. Cấp ủy cấp trên gợi ý bằng văn bản cho cấp ủy cấp dưới, chỉ rõ những vấn đề cần phải tập trung phê bình, cử cấp ủy viên trực tiếp tham dự, theo dõi và báo cáo cấp ủy để có hướng chỉ đạo. Cấp ủy, tổ chức đảng nào thực hiện không đúng yêu cầu thì cán bộ lãnh đạo, quản lý phải giải trình và chịu trách nhiệm trước tập thể. Đồng thời, coi đó là tiêu chí để bình xét các danh hiệu thi đua của cá nhân, cơ quan, đơn vị.

Hai là, xây dựng, ban hành quy định cụ thể để cấp dưới phê bình cấp trên; cán bộ, đảng viên phê bình cán bộ lãnh đạo, quản lý; xử lý nghiêm minh những cán bộ có thái độ và hành động trả thù cá nhân đối với người góp ý, phê bình thẳng thắn. Quy định cụ thể về thời gian, biện pháp khắc phục khuyết điểm sau khi cán bộ lãnh đạo, quản lý  tự phê bình và được cấp dưới phê bình. Cần lấy kết quả khắc phục, sửa chữa khuyết điểm, yếu kém là tiêu chí đánh giá cán bộ.

Ba là, cán bộ, đảng viên phải thực sự cầu thị, tiếp thu phê bình của nhân dân, nhất là nhân dân nơi cư trú. Công khai kết quả tự phê bình, phê bình của các cá nhân trong phạm vi, đối tượng thích hợp để nhân dân tham gia . Cụ thể hóa Điều 4 về “Nhiệm vụ của cấp uỷ, chi bộ nơi đảng viên cư trú” trong Quy định số 76-QĐ/TW ngày 15-6-2000 của Bộ Chính trị về việc đảng viên đang công tác ở cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp thường xuyên giữ mối liên hệ với chi ủy, đảng ủy cơ sở và gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cu trú. Trên cơ sở ý kiến góp ý của các tổ chức quần chúng, chi ủy nơi cư trú tổng hợp, gửi nhận xét về chi uỷ chi bộ nơi đảng viên đang công tác đối với những đảng viên chưa thực hiện tốt nhiệm vụ đảng viên ở nơi cư trú; có biểu hiện vi phạm về đạo đức, lối sống. Chi ủy nơi công tác yêu cầu đảng viên kiểm điểm, báo cáo chi bộ và biện pháp khắc phục.

Bốn là, gắn tự phê bình và phê bình với thực hiện Quy chế chất vấn trong Đảng. Cấp trên cần thực hiện trước để chỉ đạo, hướng dẫn cấp dưới làm theo. Cũng như phê bình, người chất vấn phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, khách quan, xây dựng; người trả lời chất vấn phải trung thực, cầu thị, nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá lại mình. Bí thư cấp ủy các cấp có trách nhiệm tạo dựng môi trường dân chủ để chất vấn thực sự song hành cùng tự phê bình và phê bình, từ đó phê bình trong Đảng mới thực sự thiết thực và hiệu quả.

-----

(1) ĐCSVN: Văn kiện Đảng toàn tập, NXB CTQG, H.1999, tập 12, tr.603. (2), (3) ĐCSVN: Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 BCH Trung ương khóa XI. (4) V.I.Lênin: Toàn tập, NXB Tiến bộ, Mátxcơva, 1978, tập 44, tr.379.

Tác giả: TS. Nguyễn Văn Hào - Khoa xây dựng Đảng, Học viện Chính trị khu vực III

Nguồn tin: Tạp chí Xây dựng Đảng

[Trở về]

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

    

Liên kết web

Lượt truy cập

00004734198

Hôm nay: 2960
Hôm qua: 5715
Tháng này: 39134
Tuần này: 19628
Năm này: 864518