Vì vậy, việc đưa ra giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả thẩm tra, xác minh việc quản lý, sử dụng tài chính đảng là hết sức cần thiết trong thời gian tới đối với công tác kiểm tra, giám sát trên địa bàn tỉnh.
Để đạt được những kết quả kiểm tra việc quản lý, sử dụng tài chính đảng, bên cạnh sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy các cấp, còn có sự nổ lực của người cán bộ kiểm tra khi tác nghiệp. Trong quá trình làm việc với các đối tượng kiểm tra, cán bộ kiểm tra đã giữ vững nguyên tắc và phương pháp công tác Đảng, thận trọng, chặt chẽ trong việc thu thập hồ sơ, tài liệu, chứng từ, sổ sách kế toán; tiến hành đối chiếu, phân tích làm rõ đúng, sai; tham mưu tổ chức đảng có thẩm quyền xem xét, kết luận chính xác nhiều lượt tổ chức đảng có hạn chế, khuyết điểm, vi phạm trong công tác quản lý, sử dụng tài chính đảng, như: Việc lập dự toán ngân sách có nội dung chưa sát thực tế, phải bổ sung nhiều lần. Trong hoạt động chi thường xuyên: chi thanh toán không đúng tiêu chuẩn định mức, vượt định mức tiêu chuẩn, không có đầy đủ hóa đơn, chứng từ hợp lệ, thiếu thủ tục theo quy định; chi có tính chất phúc lợi hạch toán trực tiếp vào chi thường xuyên trước khi xác định số tiết kiệm chi hoặc chênh lệch thu chi; chi trả thu nhập tăng thêm chưa gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ, sự đóng góp của cá nhân trong năm, có tính bình quân. Trong hoạt động chi không thường xuyên: chi thanh toán không phù hợp với nội dung nhiệm vụ không thường xuyên được giao, không phù hợp với dự toán được duyệt; thanh toán vượt dự toán chi không thường xuyên theo nội dung nhiệm vụ cụ thể được duyệt; sử dụng kinh phí không thường xuyên để chi cho các hoạt động thuộc nguồn kinh phí thường xuyên…
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong thẩm tra, xác minh việc quản lý, sử dụng tài chính đảng, việc nghiên cứu, kỹ năng phân tích hồ sơ, chứng từ, sổ sách kế toán, nhất là thẩm tra, xác minh việc lập, chấp hành dự toán, thực hiện đề án khoán chi, việc đối chiếu số liệu giữa dự toán được duyệt với số liệu quyết toán để phân tích làm rõ đúng, sai còn có những khó khăn nhất định.
UBKT Tỉnh uỷ kiểm tra đối với Ban Thường vụ Huyện uỷ Bắc Trà My
Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thẩm tra, xác minh việc quản lý, sử dụng tài chính đảng tại các đơn vị trực tiếp sử dụng ngân sách Nhà nước, đề xuất một số giải pháp chủ yếu như sau:
Thứ nhất, thẩm tra, xác minh việc lập, chấp hành dự toán chi ngân sách Nhà nước.
Việc lập dự toán, xác định đơn vị lập dự toán thu chi kinh phí có dựa trên định biên thực tế được duyệt, có căn cứ vào các hướng dẫn và quy định về định mức kinh tế kỹ thuật, định mức chi tiêu của Nhà nước, của ngành không? Việc lập dự toán có sát thực tế không? Hay phải bổ sung nhiều lần trong năm. Đối chiếu số kinh phí tồn năm trước chưa quyết toán với dự toán do đơn vị lập, xác định đơn vị đã đưa số kinh phí tồn năm trước để giảm cấp phát ngân sách cho năm dự toán không?. Việc lập dự toán thu, chi các nguồn kinh phí khác (nếu có) phát sinh tại đơn vị; tính hợp pháp của các nguồn thu, nội dung chi.
Việc thực hiện dự toán chi ngân sách Nhà nước, Việc chấp hành dự toán chi ngân sách nhà nước được giao: lập bảng so sánh các mục chi cấp phát theo dự toán được giao và thực tế thực hiện dự toán để xác định các mục chi đạt dự toán, chưa đạt dự toán, vượt dự toán. Kinh phí chưa quyết toán chuyển năm sau: căn cứ vào báo cáo quyết toán lập bảng số liệu kinh phí chưa quyết toán theo từng mục chi; xác định kinh phí tồn tại quỹ tiền mặt, công nợ hoặc tạm ứng, vật tư hàng hóa chưa sử dụng để xác định số kinh phí để lại chi tiếp, số kinh phí cấp phát thừa cho đơn vị, số kinh phí được chuyển sang năm sau.Việc sử dụng và thanh quyết toán: trên cơ sở báo cáo quyết toán và dự toán được giao, lập bảng so sánh từ mục chi, xác định mục chi nào không có dự toán, mục chi nào vượt dự toán, chi chưa đạt dự toán.
Thứ hai, thẩm tra, xác minh theo các mục chi ngân sách:
Theo quy định của Bộ Tài chính, để theo dõi tình hình chi ngân sách của đơn vị, có rất nhiều mục chi. Một số nội dung chi thường có sai phạm cần đi sâu thẩm tra xác minh gồm: Tiền lương (mục100), Tiền công( Mục 101), Hội nghị (Mục 112), Công tác phí (Mục 113), Dịch vụ công cộng (Mục 109), Chi thuê mướn (Mục 114), Sửa chữa lớn TSCĐ (Mục 118), Chi phí nghiệp vụ chuyên môn (Mục 119), Chi khác (Mục 134), Mua sắm TSCĐ (Mục 145). Phương pháp thẩm tra, xác minh theo nguyên tắc:
Đối chiếu dự toán được duyệt của các mục chi, với số liệu quyết toán, số liệu trên sổ chi tiết phát hiện các trường hợp sai lệch, tìm nguyên nhân. Đối chiếu từng khoản chi với tiêu chuẩn định mức theo quy định của pháp luật hoặc quy chế chi tiêu nội bộ để xác định các khoản chi vượt, chi không đúng đối tượng, không đúng tiêu chuẩn, định mức và nguyên nhân. Căn cứ vào sổ chi tiết chi hoạt động, phân loại và thẩm tra, xác minh xác suất một vài tháng chứng từ thanh quyết toán có giá trị lớn hoặc một số khoản chi có giá trị lớn. Thẩm tra, xác minh tính pháp lý và hợp lý của chứng từ gốc về thời điểm lập chứng từ, nội dung, người ký duyệt... nếu thấy có nghi vấn cần phải tiến hành xác minh nơi cung cấp hàng hóa, dịch vụ (ví dụ: trường hợp có giá trị lớn, mua vật tư về xuất thẳng cho nơi sử dụng).
Thứ ba, thẩm tra, xác minh phương án khoán chi:
Thẩm tra, xác minh việc thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính có đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định không. Thẩm tra, xác minh tính đầy đủ và hợp pháp của đề án khoán theo quy định: đối chiếu về trình tự thủ tục thực hiện khoán, nội dung, phương án khoán, phương án sử dụng số tiền tiết kiệm chi...
Thứ tư, khi thẩm tra nội dung chi từ nguồn kinh phí được giao, lưu ý nội dung chi chia thành 2 phần:
Các nội dung khoán chi: Tiền lương, tiền công, phụ cấp lương, tiền thưởng, phúc lợi tập thể, các khoản đóng góp, các khoản thanh toán cho cá nhân, chi thanh toán dịch vụ công cộng, vật tư văn phòng, thông tin tuyên truyền liên lạc, hội nghị, công tác phí, chi phí thuê mướn, chi sữa chữa thường xuyên tài sản cố định, chi phí nghiệp vụ chuyên môn, chi khác. Các nội dung không khoán chi: Chi sữa chữa lớn, cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới trụ sở, nhà công vụ, trang thiết bị, phương tiện làm việc; chi mua sắm tài sản cố định; chi đoàn ra, đoàn vào; chi đào tạo cán bộ, công chức.
Phương pháp thẩm tra, xác minh như sau: Đối chiếu các quy định và đề án khoán chi để xác định rõ loại kinh phí giao để thực hiện tự chủ, loại kinh phí được giao nhưng không thực hiện chế độ tự chủ? phát hiện loại kinh phí giao để thực hiện tự chủ nhưng đơn vị không thực hiện tự chủ và ngược lại.
Thẩm tra, xác minh việc sử dụng kinh phí được giao để thực hiện chế độ tự chủ để phát hiện các trường hợp chi vượt quá định mức, không đúng quy định; phát hiện các khoản chi thực hiện chế độ tự chủ nhưng quyết toán sang mục không thực hiện tự chủ để tăng nguồn kinh phí tiết kiệm được.
Thẩm tra, xác minh toàn bộ việc sử dụng kinh phí quản lý hành chính tiết kiệm được để xác định số tiền bổ sung thu nhập cho cán bộ, công chức, chi khen thưởng, chi trợ cấp khó khăn đột xuất, trích quỹ... Từ đó phát hiện việc sử dụng kinh phí quản lý hành chính tiết kiệm không đúng quy định.
Tác giả: Nguyễn Thị Tám-Phó trưởng phòng Nghiệp vụ 1, UBKT Tỉnh ủy