Quang cảnh một buổi sinh hoạt chuyên đề chi bộ học viên
Sinh hoạt chi bộ tại “địa chỉ đỏ”
Theo quy định của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, chi bộ học viên tại trường chính trị được thành lập theo đơn vị lớp học tập trung, mang tính chất tạm thời. Chi bộ tập hợp đảng viên từ nhiều nơi, sinh hoạt trong khoảng 6 tháng trước khi trở về đơn vị cũ. Với thành phần đa dạng về cơ quan, địa phương, ngành nghề, sự khác biệt về trình độ và kinh nghiệm là điều dễ nhận thấy. Do nhiệm vụ chính là học tập, việc đảm bảo thời gian sinh hoạt chi bộ gặp nhiều khó khăn. Tính chất tạm thời và đa dạng này cản trở sự gắn kết, thống nhất trong chi bộ. Dù chịu sự lãnh đạo của đảng ủy cấp trên, chi bộ vẫn cần chủ động, sáng tạo trong quản lý, sâu sát học viên để nắm bắt kịp thời tâm tư và khó khăn của đảng viên. Sinh hoạt chi bộ tại các “địa chỉ đỏ” là một cách làm khá hiệu quả được các lớp trung cấp lý luận chính trị thực hiện.
Học viên Trương Vĩnh Hoài, Bí thư Chi bộ 2, Lớp Trung cấp Lý luận chính trị K20 (năm 2024) cho biết: “Chi bộ chúng tôi luôn xác định việc đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt là nhiệm vụ then chốt, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của chi bộ và rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất, đạo đức, lối sống cho đảng viên. Thời gian qua, chi bộ đã thực hiện nhiều giải pháp để đổi mới sinh hoạt như: đa dạng hóa hình thức sinh hoạt, kết hợp với hoạt động về nguồn; tăng cường công tác tự phê bình và phê bình... Qua đó, chất lượng sinh hoạt chi bộ đã được nâng lên rõ rệt, đảng viên tích cực tham gia đóng góp ý kiến, tự giác chấp hành kỷ luật, kỷ cương của Đảng, hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập được giao”.
Tham gia sinh hoạt chi bộ tại Quần thể Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng (phường An Phú, TP.Tam Kỳ), học viên Trịnh Ký Sơn chia sẻ: “Việc sinh hoạt chi bộ kết hợp tham quan, tìm hiểu về các địa điểm lịch sử đã tạo không khí dân chủ, cởi mở, giúp đảng viên có điều kiện trao đổi, học hỏi lẫn nhau, nâng cao nhận thức chính trị và trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Các nội dung sinh hoạt được lựa chọn kỹ lưỡng, gắn lý luận được học với tình hình thực tiễn, giúp chúng tôi nâng cao nhận thức, vận dụng vào công việc và cuộc sống hàng ngày.
Nâng chất lượng trong chi bộ học viên
Để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ học viên, Trường Chính trị tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, đổi mới, sáng tạo và đạt được những kết quả tích cực. Từ đó, xây dựng môi trường học tập chính trị lành mạnh, tạo điều kiện để học viên phát huy vai trò, trách nhiệm của người đảng viên, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Một măt, Trường đã xây dựng kế hoạch sinh hoạt thiết thực, gắn với nhiệm vụ chính trị và yêu cầu học tập của học viên; tổ chức sinh hoạt theo chuyên đề, kết hợp với các hoạt động tham quan, học tập thực tế, tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm tại các di tích lịch sử; cử đại diện cấp ủy cùng sinh hoạt với chi bộ học viên. Mặt khác, Trường cũng chú trọng nâng cao năng lực cán bộ làm công tác đảng thông qua việc hướng dẫn nghiệp vụ cho bí thư, phó bí thư chi bộ và bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý, điều hành sinh hoạt chi bộ. Đồng thời, phát huy vai trò gương mẫu của đảng viên bằng cách đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đảng viên trong sinh hoạt chi bộ và khuyến khích đảng viên tích cực tham gia đóng góp ý kiến, xây dựng chi bộ vững mạnh.
Theo tiến sĩ Lê Minh Đức, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh, việc đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ học viên là nhiệm vụ quan trọng, góp phần xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Trường. Do đó, Đảng ủy, Ban Giám hiệu đã thường xuyên chỉ đạo các chi bộ cần tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác xây dựng Đảng, đổi mới nội dung, phương thức sinh hoạt, gắn với nhiệm vụ chính trị của chi bộ và nhiệm vụ học tập của học viên. Đồng thời, cần phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là bí thư chi bộ, chi ủy viên trong việc thực hiện nhiệm vụ này.