Thời gian qua, nhất là từ khi ban hành và thực hiện Luật phòng chống tham nhũng, Đảng và Nhà nước đã tập trung chỉ đạo đạt được nhiều thành tựu quan trọng. “10 năm qua toàn ngành thanh tra và các cấp, các ngành đã triển khai hàng nghìn cuộc thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành, qua đó đã phát hiện nhiều tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm. Thiệt hại do các vụ việc tham nhũng gây ra trong 10 năm qua là gần 60.000 tỷ đồng và hơn 400 ha đất, đã có hơn 4.670 tỷ đồng và 219 ha đất được thu hồi”([i]).
Tuy nhiên, “Công tác phòng chống tham nhũng tiêu cực vẫn còn những diễn biến phức tạp và chưa đạt yêu cầu đề ra là ngăn chặn, từng bước đẩy lùi. Tham nhũng tiêu cực lãng phí vẫn còn nghiêm trọng. Kê khai tài sản của cán bộ còn hình thức, hoạt động kiểm tra, giám sát, thanh tra hiệu quả còn thấp, ý thức tiết kiệm chưa được đề cao, lãng phí thời gian, nguồn lực xã hội còn lớn, việc giải quyết khiếu nại tố cáo hiệu quả chưa cao, một số trường hợp còn kéo dài gây bức xúc trong dư luận”([ii]). Số người đứng đầu bị xử lý kỷ luật còn ít so với số vụ việc tham nhũng được phát hiện và xử lý. “Một số vụ án lớn chưa quy trách nhiệm và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu (10 năm qua xử lý hình sự 118 trường hợp, xử lý kỷ luật 800 trường hợp), mới xử lý 17 người kê khai tài sản không trung thực. Một số quy định của pháp luật về phòng chống tham nhũng còn mang tính hình thức, thiếu tính khả thi” ([iii]).
Trong lĩnh vực tổ chức cán bộ bộc lộ rõ nhất tham nhũng và tiêu cực là việc chạy chức, chạy quyền, thi tuyển công chức, viên chức, điều động, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ. Một số cán bộ có chức có quyền lợi dụng tham nhũng, tiêu cực nhận hối lộ làm giàu. Có những cán bộ có sai phạm, khuyết điểm ở địa phương đơn vị này được điều động, luân chuyển đến địa phương, đơn vị khác, thậm chí còn được đề bạt bổ nhiệm chức vụ cao hơn, ngoài ra còn nhiều hiện tượng chạy bằng cấp, chạy nâng lương, chạy khen thưởng, chạy chính sách... đã tạo ra dư luận không tốt trong nhân dân đối với cán bộ.
Nguyên nhân
Về khách quan, tham nhũng tiêu cực là căn bệnh xấu vốn có trong xã hội từ lâu đời. Lòng tham luôn tiềm ẩn trong mỗi con người, nếu không được giáo dục rèn luyện thì khi có thời cơ, cơ hội, điều kiện sẽ xuất hiện. Mặt khác nếu không có chế tài mạnh mẽ để ngăn chặn, phòng ngừa đặc biệt là những biện pháp về luật pháp và hình sự thì khó có thể khắc phục được. Thể chế, chính sách quản lý kinh tế - xã hội trên nhiều lĩnh vực nước ta còn bất cập, việc công khai minh bạch còn hạn chế, thiếu những nguyên tắc, chuẩn mực, đồng bộ, khoa học để chủ động ngăn chặn phòng chống tham nhũng tiêu cực. Chưa xóa bỏ được cơ chế “xin - cho” là điều kiện dung dưỡng và làm nảy sinh tham nhũng tiêu cực nhất là trong các lĩnh vực nhạy cảm và có điều kiện để tham nhũng tiêu cực.
Về chủ quan là do một số cán bộ nhất là cán bộ có chức, có quyền thiếu rèn luyện tu dưỡng, thiếu ý thức tổ chức kỷ luật, thiếu trung thực và trách nhiệm trước nhân dân, sống thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, lợi dụng quyền hạn được giao để thu lợi bất chính, làm việc thiếu nguyên tắc, độc đoán, chuyên quyền, thiếu dân chủ, thực hiện không tốt cơ chế tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Công tác xây dựng đảng chưa góp phần tích cực vào việc phòng chống tham nhũng tiêu cực, hiệu quả thấp. Đại đa số các vụ việc tham nhũng là do quần chúng nhân dân phát hiện tố giác. Trong khi đó các vụ việc tham nhũng tiêu cực thì đại đa số là đảng viên nhất là đảng viên có chức, có quyền vi phạm, những cán bộ đảng viên đó đều sinh hoạt trong tổ chức đảng, nhưng việc quản lý đảng viên còn yếu. Tổ chức đảng không nắm và quản lý được nhiệm vụ của đảng viên nhất là đảng viên có chức, có quyền, sinh hoạt đảng lại thất thường, còn buông lỏng, nể nang, né tránh, thiếu kiểm tra giám sát việc thực hiện của đảng viên để ngăn chặn kịp thời những khuyết điểm, thiếu sót. Vai trò giám sát của cán bộ nhân dân còn hạn chế. việc phát hiện tố giác những hiện tượng tham nhũng tiêu chực chưa nhiều.
Biện pháp
1. Đẩy mạnh việc nghiên cứu sửa đổi bổ sung, hoàn thiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước nhằm khắc phục những sơ hở trong quản lý kinh tế - xã hội, nhất là các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực. Các cơ quan có thẩm quyền cần rà soát nghiên cứu xây dựng hệ thống pháp luật về phòng chống tham nhũng và các văn bản có liên quan theo hướng đồng bộ, có chế tài nghiêm khắc để thật sự là công cụ hữu hiệu, tạo ra khuôn khổ pháp lý ngày càng hoàn thiện hơn, góp phần vào việc phòng chống tham nhũng tiêu cực. Nghiên cứu sửa đổi những vướng mắc về thể chế chính sách, đề xuất kiến nghị phương án sửa đổi luật phòng chống tham nhũng cho phù hợp với tình hình hiện nay để bảo đảm “không để tham nhũng tiêu cực” và “không giám tham nhũng tiêu cực”.
Từng bước loại bỏ cơ chế “xin - cho” vì còn “xin - cho” thì còn tham nhũng tiêu cực. Nghiên cứu cải cách chế độ tiền lương để cán bộ công chức đủ sống bằng tiền lương. Thực hiện khoán tiêu chuẩn đãi ngộ đối với cán bộ, lãnh đạo, quản lý vào lương. Quản lý và kiểm tra chặt chẽ việc mua sắm tài sản công với tinh thần tiết kiệm nhất. Thực hiện nghiêm túc việc kê khai tài sản, thu nhập cá nhân, phải công khai trong cơ quan, đơn vị địa phương và báo cáo với cơ quan quản lý cán bộ. Nhà nước phải kiểm soát được tài sản và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức nhất là những cán bộ có chức, có quyền cần quy định việc cán bộ công chức khi mua sắm tài sản có giá trị lớn phải thanh toán qua tài khoản. Thực hiện tốt các việc cải cách hành chính Nhà nước và trong các cơ quan Đảng, loại bỏ những quy định không còn phù hợp, ban hành bổ sung những quy định mới, ngăn chặn hiện tượng gây phiền hà sách nhiễu cho nhân dân. Thực hiện tốt cơ chế 1 cửa và 1 cửa liên thông, không để cán bộ lợi dụng tham nhung tiêu cực.
2. Tăng cường công tác quản lý đảng viên về mọi mặt. Mỗi tổ chức đảng, nhất là chi bộ phải quản lý chặt chẽ đảng viên về tư tưởng, kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao, phong cách lối sống, hoàn cảnh gia đình, điều kiện sinh hoạt. Đảng viên dù bất kỳ ở cương vị nào đều phải sinh hoạt chi bộ hàng tháng đều kỳ, hàng năm phải tự kiểm điểm, báo cáo với chi bộ kết quả, ưu khuyết điểm trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Trên cơ sở kiểm điểm, phê bình, tự phê bình chi bộ phải đánh giá phân loại theo quy định, trong phê bình, tự phê bình, phải bảo đảm dân chủ công khai và tự giác, khắc phục mọi biểu hiện: hình thức, nể nang, né tranh, nhất là những đảng viên có chức có quyền càng phải thực hiện nghiêm túc hơn. Trên cơ sở đó phát hiện kịp thời những dấu hiệu vi phạm của đảng viên về tham nhũng tiêu cực để ngăn chặn. Những đảng viên có dấu hiệu vi phạm hoặc có đơn thư tố giác phải được đấu tranh phê bình, nhắc nhở thẳng thắn và kịp thời báo cáo cấp ủy cấp trên và cơ quan quản lý cán bộ nếu cán bộ đó là cán bộ có chức có quyền.
Các tổ chức đảng cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền và các đoàn thể nhân dân thường xuyên tổ chức đối thoại với nhân dân, lắng nghe ý kiến dân phân phản ánh phát hiện, tổ giác những hiện tượng hành vi tiềm ẩn tham nhũng tiêu cực. Thực hiện nghiêm túc quy chế chất vấn trong Đảng, trả lời và làm rõ những băn khoăn, thắc mắc, kiến nghị của đảng viên đối với tập thể và cá nhân lãnh đạo nhất là những vấn đề liên quan đến tham nhũng và tiêu cực. Kiên quyết xử lý và thay thế những cán bộ lãnh đạo quản lý vi phạm tham nhũng, tiêu cực, xử lý nghiêm minh trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng tiêu cực trong tổ chức, cơ quan, đơn vị địa phương mình trực tiếp quản lý để củng cố lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng.
3. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra truy tố xét xử thi hành án, thực hiện nghiêm túc luật phòng chống tham nhũng. Xây dựng cơ chế phòng ngừa ngăn chặn quan hệ “lợi ích nhóm” chống đặc quyền đặc lợi, khắc phục tư tưởng “tư duy nhiệm kỳ”. Phát huy vai trò giám sát của các cơ quan dân cử, mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân trong đấu tranh phòng chống tham nhũng tiêu cực, xây dựng và thực hiện cơ chế khuyến khích và bảo vệ tổ các chức và cá nhân phát hiện, tố cáo tham nhũng tiêu cực. Chỉ đạo thực hiện tốt việc dân chủ công khai ở tất cả các khâu, các công đoạn trên các lĩnh vực: quản lý và sử dụng đất đai, dự án đầu tư xây dựng cơ bản, thu chi ngân sách, công tác tổ chức cán bộ, giải quyết các thủ tục hành chính... bảo đảm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.
4. Hoàn thiện việc chuẩn hóa cán bộ. Mỗi chức danh cán bộ công chức, viên chức đều có tiêu chuẩn cụ thể. Kiên quyết không quy hoạch và đào tạo bố trí sử dụng cán bộ công chức viên chức không đủ tiêu chuẩn. Nâng cao chất lượng quy hoạch đào tạo bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo quản lý, công chức viên chức, làm tốt việc đánh giá phát hiện nguồn cán bộ có phẩm chất đạo đức, có năng lực trình độ, đáp ứng yêu cầu để đưa vào quy hoạch, không đề bạt bổ nhiệm cán bộ ngoài quy hoạch, cán bộ có dư luận, biểu hiện tham nhũng tiêu cực. Tổ chức tốt việc thi tuyển cán bộ lãnh đạo quản lý, công chức viên chức bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch.
Xử lý nghiêm minh những cán bộ vi phạm tham nhũng tiêu cực, theo đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước công tâm, khách quan, trong sáng, không chịu bất kỳ một sức ép nào của bất cứ một tổ chức cá nhân nào. Kiên quyết và kịp thời thay thế những cán bộ lãnh đạo quản lý vi phạm tham nhũng tiêu cực, xử lý nghiêm minh trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng tiêu cực trong tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương đang trực tiếp quản lý.
Tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan có chức năng đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực như: Công an, Viện kiểm sát, Tòa án, Tư pháp, Thanh tra, Kiểm tra, Kiểm toán, Nội chính, Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng các cấp... Những cán bộ được chọn trực tiếp làm công tác phòng chống tham nhũng tiêu cực phải là những cán bộ có phẩm chất đạo đức, có ý thức tổ chức kỷ luật, trung thực, liêm khiết, có năng lực nghiên cứu, phát hiện, đề xuất các biện pháp xử lý, có phong cách lối sống giản dị, được nhân dân tín nhiệm.
5. Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Mọi cán bộ đảng viên phải tự đánh giá về đạo đức, phẩm chất, thực hiện nhiệm vụ được giao, phong cách lối sống, đóng góp vào việc phòng chống tham nhũng trong thời gian qua, tập thể cấp ủy, chi bộ, cơ quan đơn vị góp ý kiến, những cán bộ có biểu hiện hoặc đơn thư tố giác về tham nhũng tiêu cực phải được làm rõ, nếu có tham nhũng tiêu cực phải có kết luận cụ thể và biện pháp xử lý.
Tập trung thanh tra, kiểm tra, thanh tra những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng tiêu cực. Đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, xây dựng lối sống trong sạch, giản dị, liêm khiết. Mỗi cán bộ, đảng viên phải đăng ký làm theo Bác với những nội dung cụ thể và đề ra biện pháp phấn đấu thực hiện. Hàng năm cán bộ đảng viên nhất là cán bộ lãnh đạo quản lý phải được lấy ý kiến đóng góp của cơ quan, đơn vị, địa phương trong đó có vấn đề tham nhũng và tiêu cực.
--------
([i]) Báo cáo tổng kết của Chính phủ tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng chống tham nhũng ngày 12-7-2016.
([ii]) Báo cáo Chính trị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.
([iii]) Báo cáo tổng kết của Chính phủ tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng chống tham nhũng ngày 12-7-2016.