Gợi ý kiểm điểm, theo dõi khắc phục
Theo Ban Thường vụ Tỉnh ủy, công tác kiểm điểm tự phê bình và phê bình năm 2021 tiếp tục được các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị chủ động tổ chức thực hiện đảm bảo nghiêm túc, đúng hướng dẫn, dân chủ, công khai, khách quan, toàn diện và hiệu quả theo Quy định 132 của Bộ Chính trị (khóa XII) và Hướng dẫn 21 của Ban Tổ chức Trung ương gắn với thực hiện Kết luận 21 của Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.
Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy được phân công dự và chỉ đạo kiểm điểm tập thể lãnh đạo, quản lý tại các tổ chức đảng trực thuộc Tỉnh ủy. Đồng thời khi kiểm điểm tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý thì đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy được phân công phụ trách, đại diện các cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy cấp trên được mời dự, chỉ đạo, theo dõi kiểm điểm.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho biết, năm 2021 có 329 tập thể được gợi ý kiểm điểm (trong đó, có 19 tập thể thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý; 186 tập thể thuộc diện ban thường vụ cấp ủy huyện quản lý; 124 tập thể thuộc diện cấp ủy cơ sở quản lý); có 386 đảng viên được gợi ý kiểm điểm (trong đó có 284 đảng viên thuộc diện ban thường vụ cấp ủy huyện quản lý; 102 đảng viên thuộc diện cấp ủy cơ sở quản lý).
Có 22/22 đảng bộ cấp huyện được Ban Thường vụ Tỉnh ủy đánh giá, xếp loại; trong đó có 4 đảng bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ (18,18%), 16 đảng bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ (72,73%); 2 đảng bộ hoàn thành nhiệm vụ (9,09%).
Qua kiểm tra, theo dõi, giám sát cho thấy, hầu hết cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị tổ chức kiểm điểm, tự phê bình và phê bình nghiêm túc, thẳng thắn, đánh giá, xếp loại chất lượng tập thể, cá nhân đảm bảo dân chủ, công tâm, khách quan, đúng với tiêu chí đề ra.
Việc khắc phục những hạn chế, khuyết điểm đã được cấp có thẩm quyền kết luận hoặc chỉ ra ở kỳ kiểm điểm trước được các cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, từng cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiêm túc xây dựng kế hoạch, lộ trình khắc phục cụ thể và được tập thể lãnh đạo xem xét, đánh giá nghiêm túc.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng cho biết, việc gợi ý kiểm điểm chủ yếu tập trung vào các nội dung trọng tâm, trọng điểm, nổi cộm, dư luận quan tâm trên một số lĩnh vực: quản lý đất đai, quản lý bảo vệ rừng, tài nguyên, khoáng sản, đấu thầu, xây dựng, cải cách hành chính, giải ngân vốn đầu tư công…; công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tập thể lãnh đạo và trách nhiệm của cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý trong chỉ đạo, điều hành công việc.
“Tinh thần tự phê bình và phê bình được nâng lên, tình trạng nể nang, ngại va chạm cơ bản được khắc phục. Các cấp ủy cũng đã chú trọng phân công các đồng chí lãnh đạo cấp ủy phụ trách các cơ quan, đơn vị, địa phương dự theo dõi, chỉ đạo kiểm điểm.
Sau kiểm điểm, mỗi tập thể, cá nhân tiếp thu ý kiến góp ý phê bình và đề ra biện pháp thiết thực nhằm phát huy những ưu điểm, kịp thời khắc phục, sửa chữa khuyết điểm, hạn chế để phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị đề ra” - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng nhìn nhận.
Tự soi lại mình
Triển khai thực hiện Kết luận số 21 của Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, tại Kế hoạch số 107 ngày 7.1.2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề ra 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện thường xuyên.
Trong đó, yêu cầu thực hiện nghiêm tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt đảng, gắn với việc tu dưỡng, rèn luyện, nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy.
Ở những nơi có biểu hiện mất đoàn kết, vi phạm nguyên tắc, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, biểu hiện lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực, dư luận bức xúc, có biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” thì cấp ủy cấp trên phải kịp thời xem xét, gợi ý, chỉ đạo kiểm điểm làm rõ trách nhiệm, xây dựng kế hoạch sửa chữa, khắc phục hạn chế, khuyết điểm. Chú trọng kiểm tra, giám sát việc sửa chữa, khắc phục khuyết điểm của cấp ủy cấp dưới và tổ chức, cá nhân liên quan.
Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Thị Thu Lan nói, yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy đặt ra đối với đợt sinh hoạt chính trị “Tự soi, tự sửa” lần này phải đảm bảo các nội dung theo hướng dẫn.
Báo cáo “tự soi” của tập thể cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị cần tập trung nêu lên những bất cập, khó khăn, vướng mắc thực tế trên tất cả các mặt của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.
Đặc biệt là kết quả khắc phục những hạn chế, khuyết điểm theo gợi ý, đánh giá kiểm điểm của cấp có thẩm quyền đối với cấp ủy, cơ quan, đơn vị mình (nếu có) trong 5 năm qua. Trên cơ sở đó, đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện việc “tự sửa” trong thời gian tới.
Việc kiểm điểm, tự phê bình và tự phê bình phải trên tinh thần tự giác, trách nhiệm cao nhất, có tình thương yêu đồng chí thật sự, phải có dũng khí đấu tranh thẳng thắn, chân tình. Hết sức tránh làm qua loa, hình thức, chiếu lệ. Khắc phục tình trạng xuê xoa, nể nang và lợi dụng dịp này để “đấu đá”, “hạ bệ” nhau với những động cơ không trong sáng. Đây cũng là cơ sở để đánh giá, xem xét, quy hoạch cán bộ thời gian tới.
“Mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, đặc biệt là người đứng đầu, người chủ trì phải gương mẫu, tự giác làm trước; nghiêm túc tự phê bình, kiểm điểm, tự soi lại mình, cái gì tốt thì phát huy, cái gì khiếm khuyết thì tự điều chỉnh, cái gì xấu thì tự gột rửa, tự sửa mình; không đứng ngoài cuộc, coi như mình vô can” - Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Thị Thu Lan lưu ý.